Thổi hồn vào tượng gỗ
Không hẹn trước, chúng tôi tìm về nhà của Nghệ nhân Ksor Hnao ở một con hẻm nhỏ ở giữa TP. Pleiku. Khi ráng chiều buông xuống đỏ rực một góc sân trong khuôn viên nhà hàng, Nghệ nhân Ksor Hnao vẫn tỉ mỉ đục đẽo những bức tượng nhà mồ. Chúng tôi chờ ông xong việc và bắt đầu câu chuyện khi trời đã chập tối. Nhà ông cũng đã bắt đầu đón khách ghé thăm mỗi lúc một đông hơn.
Nói về cơ duyên gắn bó với văn hóa truyền thống, ông bộc bạch: Thời 14, 15 tuổi, cũng như đám trai làng, tôi bắt đầu tập tành đánh chiêng, tạc tượng. Lúc đấy, thấy mấy ông già trong làng đánh xong là mình tới mân mê rồi tìm cách đánh theo, cứ thế là biết đánh thôi. Cái gì khó quá, không hiểu hoặc tập không được thì lại hỏi người già trong làng để họ chỉ cho, thế rồi gắn bó đến giờ.
Gắn bó với lĩnh vực văn hóa Tây Nguyên qua hàng chục năm nhưng nghệ nhân Ksor Hnao được biết đến nhiều nhất bởi biệt tài thổi hồn tượng gỗ. Những bức tượng gỗ do ông chế tác mang đậm nét văn hóa của người Tây Nguyên, nó mộc mạc, chân thực và gần gũi. Ông bảo, cái hay của tạc tượng là khi nhìn vào những bức tượng, người ta có thể thấy được những gì người tạc gửi gắm vào trong đó. Tượng nhà mồ thường gắn với lễ Pơ Thi (lễ bỏ mã) nên nó mang rất nhiều yếu tố tâm linh. Người tạc tượng giỏi phải thể hiện được những khát khao, sự gắn kết của cõi A Tâu với thế giới loài người, khắc họa được những niềm vui, nỗi buồn,… những cảm xúc mà không chỉ có thế giới người sống mới có.
Không chỉ giỏi tạc tượng, đánh chiêng, nghệ nhân Ksor Hnao còn biết làm các loại đàn bằng tre, nứa như: Goong, kơni hay t’rưng, ông cũng chơi rất thành thạo các loại nhạc cụ này. Đồng thời, ông cũng là người biết chỉnh chiêng, một nghề rất ít người làm được Tây Nguyên.
Bảo tồn văn hóa và tạo sinh kế cho dân làng
Nhờ tài năng Yàng phú cùng với sự miệt mài kiên trì, tên tuổi Nghệ nhân Ksor Hnao đã vang danh khắp Tây Nguyên. Ông thường xuyên được mời về các thôn, làng, các trường học trên địa bàn Gia Lai và các tỉnh lân cận để truyền dạy cách tạc tượng, đánh chiêng và chỉnh chiêng cho các thế hệ sau. Tính đến nay, học trò của ông đã lên tới hàng trăm người, những người thành thạo nghề lại tiếp tục giữ lửa văn hóa bằng cách truyền dạy lại nghề cho các thế hệ sau.
Không chỉ tạc tượng, Nghệ nhân Ksor Hnao còn được mời về tạc tượng tại làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). Nơi đây cũng trưng bày rất nhiều tượng gỗ do ông tạc. Năm 1999, ông được Viện Âm nhạc Việt Nam mời biểu diễn đàn ting ning (đàn goong) để ghi băng làm tư liệu giảng dạy, nghiên cứu.
Không chỉ bảo tồn các nét văn hóa truyền thống của người Tây Nguyên qua hình thức truyền dạy và lưu trữ, năm 2016, tại nhà của mình ở làng Kép (TP. Pleiku), ông mở quán ẩm thực Tây Nguyên mang tên Ksor Hnao để giới thiệu, quảng bá, trải nghiệm ẩm thực dân tộc Gia Rai cho khách du lịch. Đồng thời, vào mỗi ngày cuối tuần, thứ Bảy và Chủ Nhật, ông đứng lên tập hợp các đội chiêng và tổ chức biểu diễn cồng chiêng Tây Nguyên, đốt lửa trại và các nhạc cụ dân tộc để giới thiệu với bạn hữu xa gần.
“Nhà hàng của tôi hiện nay lượng khách đã ổn định hơn, khách du lịch cũng có, khách ở Gia Lai cũng có. Nhờ sự ủng hộ của khách hàng mà tôi đã giúp người trong làng có thêm thu nhập. Tôi cũng thường xuyên tổ chức, truyền dạy tổ chức biểu diễn cồng chiêng để phục vụ khách ghé thăm. Nhờ vậy, người làng cũng có thêm thu nhập lo cho cuộc sống, điều này cũng thúc đẩy, ươm mầm tình yêu văn hóa truyền thống cho các thế hệ sau này”, Nghệ nhân Ksor Hnao bộc bạch.