Chuyển nhượng phải có điều kiện
Theo TS. Bùi Ngọc Thanh, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, tích tụ và tập trung ruộng đất là hai hình thức chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp. Mục tiêu của cả hai hình thức đều cùng làm tăng diện tích đất nhằm mở rộng quy mô sản xuất hướng đến năng suất, hiệu quả cao.
Tuy nhiên, hai hình thức này khác nhau về bản chất; trong đó, việc tập trung ruộng đất là hình thức góp đất, cho thuê, cho mượn đất,… có thời hạn để làm tăng diện tích sản xuất mà không mất quyền sử dụng đất trước pháp luật. Còn tích tụ là hình thức chuyển nhượng (mua bán) từ nhiều chủ sử dụng thành một chủ sử dụng duy nhất; người chuyển nhượng (bán quyền sử dụng cho người tích tụ) sẽ mất quyền sử dụng đất.
“Việc phân biệt hai hình thức này rất quan trọng bởi liên quan đến nhiều vấn đề, cả kinh tế lẫn xã hội. Ví dụ như, trong quá trình tích tụ có một bộ phận nông dân làm ăn khó khăn, sinh ra túng thiếu, bán hết quyền sử dụng đất, rơi vào tình trạng như là bị bần cùng hóa”, TS. Bùi Ngọc Thanh chia sẻ.
Quan ngại của nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Ngọc Thanh, là hoàn toàn xác đáng. Ở miền núi, vùng đồng bào DTTS, thực trạng thiếu đất sản xuất của một bộ phận đồng bào DTTS đã kéo dài hàng chục năm nay. Chính sách hỗ trợ đất sản xuất đã được triển khai trong nhiều giai đoạn, nhưng danh sách hộ DTTS thiếu đất sản xuất vẫn cứ kéo dài thêm.
Theo thống kê của Ủy ban Dân tộc, giai đoạn 2003 - 2016, Nhà nước đã hỗ trợ đất sản xuất cho trên 107.800 hộ DTTS; giai đoạn 2017 – 2020 là 3.900 hộ. Tuy nhiên, Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 để Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg (Chương trình MTQG 1719) cho thấy, vẫn còn trên 43.000 của hộ DTTS có nhu cầu hỗ trợ đất sản xuất; dự kiến đến năm 2025 sẽ giải quyết 60% nhu cầu của đồng bào, giai đoạn 2026 - 2030 giải quyết 40% còn lại.
Theo TS. Hoàng Xuân Lương, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quyền con người DTTS (Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam), một trong những nguyên nhân của vấn đề thiếu đất sản xuất trong vùng đồng bào DTTS chưa được giải quyết triệt để xuất phát từ tình trạng chuyển nhượng không đúng quy định đất chính sách được cấp.
Trong Luật đất đai 2013 có quy định, sau 10 năm kể từ thời điểm được giao đất, đồng bào DTTS được quyền chuyển nhượng, tặng cho đất do Nhà nước giao, đất theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước; đồng thời phải kèm theo điều kiện có xác nhận không có nhu cầu sử dụng đất hoặc chuyển khỏi địa bàn cư trú. Quy định là vậy, nhưng vì nhiều nguyên nhân, không ít hộ đồng bào DTTS sau khi được cấp đất đã chuyển nhượng, cầm cố cho người khác.
Siết chặt quy định
Từ thực tế sử dụng đất ở vùng đồng bào DTTS và miền núi cho thấy rằng, điều cần quan tâm là chế tài nào để hạn chế tối đa tình trạng chuyển nhượng đất được Nhà nước giao, đất theo chính sách Nhà nước hỗ trợ (gọi chung là đất chính sách - Pv). Trả lời được câu hỏi này, đồng thời tập trung hỗ trợ theo Chương trình MTQG 1719, thì mục tiêu giải quyết đất sản xuất cho đồng bào DTTS có nhu cầu mới có thể “về đích”.
Trong quá trình góp ý Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), có ý kiến cho rằng, cần phải hạn chế, nếu không muốn nói là không cho chuyển nhượng đất chính sách. Theo đó, nếu không quy định rõ điều này trong luật thì Nhà nước có giải quyết đất cho đồng bào DTTS bao nhiêu lần rồi dần dần cũng lại chuyển nhượng, đất vẫn cứ thiếu. Đây cũng là giải pháp để bảo vệ người dân, đồng thời cảnh báo những trường hợp chuyển nhượng (mua, bán) đất chính sách thì sẽ bị vô hiệu.
Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã yêu cầu, cần có cơ chế hiệu quả để ngăn chặn người dân chuyển nhượng sau khi được giao đất. Tuy nhiên, trong Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) lại “nới lỏng” hơn so với Luật Đất đai hiện hành khi quy định, đất chính sách được quyền chuyển nhượng sau 10 năm, trừ trường hợp được UBND cấp huyện hoặc cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh xác nhận không có nhu cầu sử dụng đất hoặc chuyển khỏi địa bàn cư trú.
Theo đại biểu Quốc hội Ngô Trung Thành (đoàn đại biểu Đăk Lăk) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, điều này có nghĩa là nếu có xác nhận không có nhu cầu sử dụng đất hoặc chuyển khỏi địa bàn cư trú thì mặc dù chưa đến 10 năm sẽ vẫn được chuyển nhượng. Quy định như vậy quá “lỏng”, dễ dẫn đến tình trạng thâu tóm đất đai, không đáp ứng yêu cầu Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Những lo ngại của các chuyên gia khi góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) xuất phát từ thực trạng chuyển nhượng đất chính sách trái quy định những năm qua, trong khi đất sản xuất vẫn là nhu cầu cấp bách của một bộ phận đồng bào DTTS hiện nay. Tuy nhiên, việc hạn chế, thậm chí cấm chuyển nhượng đất chính sách lại chưa trúng chủ trương khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất nhằm phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp gắn với phát triển xây dựng nông thôn mới.
Giải đáp khúc mắc này, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm nhằm bảo đảm thực hiện chính sách đất sản xuất cho đồng bào DTTS. Trong đó, Dự thảo luật có quy định, nghiêm cấm các đối tượng không phải là đồng bào DTTS, không phải là đối tượng nhận chuyển nhượng đối với quỹ đất chính sách mà lại nhận chuyển nhượng; đồng thời nghiêm cấm tổ chức, cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với quỹ đất mà đã xác định đó là quỹ đất phục vụ cho chính sách đồng bào DTTS mà giao không đúng đối tượng.
Mặc dù Dự thảo luật đã đưa ra những quy định như vậy, nhưng thiết nghĩ vẫn cần có chế tài chặt chẽ hơn trong việc chuyển nhượng đất chính sách của đồng bào DTTS. Chẳng hạn như giải pháp ghi rõ nội dung đất chính sách trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được ông Hoàng Đức Hậu, Ủy viên Hội đồng tư vấn Dân tộc - Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề xuất với Ban soạn thảo Dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Như bài báo trước đã phản ánh, ở miền núi, hình thức tập trung đất đai đã và đang phát huy hiệu quả ở ở một số mô hình, dự án; không chỉ đem lại giá trị sử dụng đất cao hơn khi mở rộng quy mô sản xuất mà đồng bào DTTS có thêm thu nhập từ cho thuê, góp đất sản xuất kinh doanh mà còn bảo đảm quyền sử dụng đất của đồng bào. Còn việc tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn chỉ thuận lợi ở khu vực đồng bằng. Do đó, khi triển khai chủ trương tích tụ, tập trung ruộng đất để mở rộng quy mô sản xuất thì các địa phương cũng cần minh bạch hai hình thức chuyển quyền sử dụng đất này.
Trong quá trình xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi), Ủy ban Dân tộc đã tham gia góp ý và có văn bản gửi Ban Chỉ đạo, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp. Theo đó, Ủy ban Dân tộc đề nghị 2 khoản tại Điều 27 Dự thảo: “Có chính sách đất đai cho đất ở, đất sinh hoạt của đồng bào DTTS phù hợp với điều kiện, tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng” và “có chính sách tạo điều kiện cho đồng bào DTTS trực tiếp sản xuất nông nghiệp ở nông thôn có đất để sản xuất nông nghiệp”.