Thu nhập tăng từ dồn điền đổi thửa
Là xã khó khăn của huyện Hiệp Hòa, dù xuất phát điểm thấp nhưng đầu năm 2017, xã Quang Minh vẫn mạnh dạn đăng ký hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng NTM (là xã duy nhất của huyện đăng ký đạt chuẩn trong năm 2017). Với nguồn lực đầu tư của Nhà nước, sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự đồng thuận của người dân, cuối năm 2017, Quang Minh đã hoàn thành 19/19 tiêu chí, được công nhận đạt chuẩn NTM. Cuối năm 2017, thu nhập bình quân đầu người của Quang Minh đạt gần 30 triệu đồng/người/năm, cao hơn mức bình quân chung của huyện; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều chỉ còn 5,49%.
Thực hiện mục tiêu nâng cao thu nhập cho người dân, xã Quang Minh đã triển khai nhiều giải pháp để dồn điền đổi thửa (DĐĐT). Được sự đồng thuận của người dân, đến nay Quang Minh đã DĐĐT được gần 100 ha, chiếm ½ diện tích đất canh tác toàn xã; bình quân mỗi hộ chỉ còn từ 1-2 thửa, giảm 9-10 thửa so với trước.
Từ DĐĐT, nông dân ở Quang Minh đã có điều kiện để cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Nhờ đó, thu nhập trên diện tích canh tác của xã tăng lên. Năm 2014, bình quân mỗi ha đất sản xuất chỉ cho thu nhập khoảng 80 triệu đồng/năm thì nay đã đạt thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm, cao hơn mức bình quân chung của huyện Hiệp Hòa (95 triệu đồng/ha/năm).
Cũng như xã Quang Minh, các địa phương khác của huyện Hiệp Hòa thời gian qua cũng tích cực DĐĐT. Trong năm 2017, huyện đã chỉ đạo thực hiện DĐĐT ở 21 thôn của 10 xã, với tổng diện tích 562,7 ha. Hiện đã có 3 thôn nghiệm thu kết quả (diện tích 65ha); các địa phương còn lại tích cực triền khai. Trong năm 2018, huyện Hiệp Hòa tổ chức tập huấn công tác DĐĐT cho 25 thôn của 10 xã. Theo kế hoạch, huyện sẽ tiếp tục DĐĐT thêm 650ha.
Ứng dụng công nghệ để tăng giá trị nông sản
Theo ông Ngô Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa, DĐĐT là giải pháp nền tảng để xây dựng cánh đồng mẫu lớn (CĐML), từ đó nâng cao thu nhập cho người nông dân. Nhờ thực hiện tốt DĐĐT, toàn huyện Hiệp Hòa đã hình thành 29 CĐML, trong năm 2018 sẽ xây dựng mới 6 cánh đồng.
“Trong 29 CĐML hiện nay có 4 cánh đồng trồng rau các loại. Nhờ canh tác tập trung, ứng dụng được công nghệ vào sản xuất nên năng suất tăng. Các cánh đồng rau trong huyện cho thu nhập trên 200 triệu/ha, gấp 3 lần trồng lúa” , ông Dũng cho biết.
Để tăng thu nhập từ các CĐML, việc liên kết sản xuất mang tính quyết định. Như cánh đồng ngô ở thôn Phú Cốc (xã Quang Minh), nông dân liên kết với doanh nghiệp ở tỉnh Hải Dương trồng ngô ngọt thay thế ngô thương phẩm ở vụ Đông, thu lãi 1,3 triệu đồng/sào, cao gấp đôi so với ngô thương phẩm trước đây.
Nói về các mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa-Ngô Tiến Dũng cho biết, trên địa bàn hiện có nhiều mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, cho hiệu quả kinh tế cao từ 2-3 lần so với sản xuất thông thường. Điển hình như mô hình Hợp tác xã nông nghiệp Đồng Tâm 3 (xã Thường Thắng) cho lợi nhuận 1,2 tỷ đồng/ha/năm; mô hình chăn nuôi gà sinh sản quy mô 30 nghìn con, mỗi ngày cung ứng ra thị trường hơn 5 nghìn gà giống, doanh thu 15 tỷ đồng/năm...
“Năm 2018, huyện Hiệp Hòa tiếp tục đăng ký thực hiện 3 mô hình nhà lưới, nhà màng ứng dụng công nghệ cao ở các xã Lương Phong, Đông Lỗ, Thường Thắng, với tổng quy mô hơn 7 nghìn m2 sản xuất dưa, rau ăn lá, hoa lan. Các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được kỳ vọng sẽ kích cầu cho kinh tế địa phương phát triển, hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM” , Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa-Ngô Tiến Dũng khẳng định.
Huyện Hiệp Hòa đã có 7 xã về đích NTM; 4 xã đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí chuẩn bị về đích, gồm: Mai Trung, Thường Thắng, Đông Lỗ, Hùng Sơn. Toàn huyện hiện có 55 thôn đạt chuẩn NTM. Năm 2018, huyện phấn đấu có thêm 5 thôn đạt chuẩn NTM.
VÂN KHÁNH