Làm gì để nông sản của người nông dân làm ra được tiêu thụ nhanh chóng, nâng tầm giá trị sản phẩm, có lẽ là niềm trăn trở của nhiều người. Trong xu thế hội nhập nông dân thời 4.0, không chỉ tạo ra được sản phẩm mà còn phải bán được sản phẩm mình tạo ra; không những thế còn phải bán được giá. Tuy nhiên, đến nay bài toán tiêu thụ sản phẩm vẫn còn bỏ ngỏ vì nhiều vấn đề, trong đó việc liên kết theo chuỗi giá trị và kết nối tiêu thụ nông sản được quan tâm hơn cả.
Xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp liên kết theo chuỗi giá trị và kết nối tiêu thụ nông sản, đang trở thành hướng đi mới giúp người nông dân nâng cao giá trị sản phẩm một cách bền vững, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy nâng cao hiệu quả sản xuất; Đồng thời, tạo vị thế và nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế; cũng như phục hồi phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid -19.
Việc sản xuất nông nghiệp gắn với liên kết tác nhân theo chuỗi, đã và đang đóng góp hiệu quả kinh tế cao, giúp người nông dân ổn định cuộc sống. Hiện nay, đã có 56 địa phương trên cả nước ban hành chính sách khuyến khích liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đã hình thành 4.028 hợp tác xã nông nghiệp tham gia liên kết với 1.867 doanh nghiệp trong sản xuất, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Các địa phương cũng đã có nhiều chương trình dự án, phát triển ngành nông nghiệp có bước chuyển biến rõ rệt. Đến nay, đã hình thành nhiều mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và kết nối tiêu thụ sản phẩm với sự tham gia của doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân trong tất cả các ngành hàng nông lâm thủy sản.
Qua đó, đưa ngành nông nghiệp Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á và đứng thứ 15 toàn cầu về xuất khẩu nông sản và kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng vọt từ 4,2 tỷ USD năm 2002, lên gần 49 tỷ USD năm 2021, chiếm 14,45% tổng kim ngạch xuất khẩu quốc gia.
Qua thực tế sản xuất, nông dân là người cảm nhận rõ nhất hiệu quả của việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Nông dân Lê Văn Diện (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) chia sẻ: Tôi là thành viên của Hợp tác xã (HTX) Nam Phú Bình, gia đình có 8 ha đất trồng lúa, tất cả diện tích lúa thu hoạch đều được tập đoàn Lộc Trời thu mua. Họ bán giống lúa, phân thuốc, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc và bao tiêu sản phẩm, với giá cả ổn định nên tôi và nhiều nông dân khác trong HTX không rơi vào tình trạng bị thương lái ép giá, công ty không bỏ rơi người nông dân nên tôi an tâm khi sản xuất vụ mùa mới.
Theo ông Trần Thanh Tâm, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang, cho biết: Để hỗ trợ, tạo cơ hội cho các hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào chuỗi phân phối sản phẩm Việt Nam; cũng như hỗ trợ cho các hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp của tỉnh An Giang gặp gỡ, tìm hiểu nhu cầu, phương thức kinh doanh nhằm kết nối, liên kết sản xuất – tiêu thụ nông sản, Sở Công Thương đã tích cực phối hợp với Sở, ban ngành liên quan, triển khai hiệu quả nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận, đẩy mạnh việc tiêu thụ nông sản qua các kênh bán lẻ hiện đại như, siêu thị, cửa hàng tiện ích, thương mại điện tử,...hướng tới phát triển đa dạng các phương thức tiêu thụ nông sản.
Dù vậy, nhưng thực tế ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn đang sản xuất ở quy mô hộ nhỏ, lẻ, manh mún, chưa được liên kết, trợ từ các HTX và doanh nghiệp. Chỉ mới có khoảng 8% doanh nghiệp lớn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, khoảng 92% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ hoạt động sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, nên đang gặp khó khăn trong chi phối chuỗi giá trị ngành hàng và khó cạnh tranh.
Tại Hội thảo, bà Cao Xuân Thu Vân, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, nhấn mạnh: Nếu chỉ sản xuất, đi giới thiệu và bán sản sản phẩm, thì nó chỉ dừng lại là thị trường nhỏ lẻ không giải quyết được bài toán tiêu thụ sản phẩm. Chúng ta không thể giải quyết bài toán tiêu thụ nông sản cho người nông dân, trong khi chưa hoàn thiện quy trình sản xuất, thí nghiệm sản phẩm.
"Như ở Thái Lan, họ đã hướng nông dân họ sản xuất nông sản theo kiểu nông sản dinh dưỡng, nông sản hạnh phúc, nông sản hòa hợp. Vì đã qua cái thời ăn cho no rồi, chúng ta phải thay đổi tư duy sản xuất, tạo ra được sản phẩm an toàn trách nhiệm và khi nhắc đến phải cảm thấy tự hào", bà Thu Vân nêu dẫn chứng.
Bà Thu Vân chia sẻ thêm: Chúng ta không thể sản xuất theo thói quen, có gì bán nấy mà phải nắm được thông tin, thị trường. Hiện nay, chúng ta còn mù mờ về thị trường, mù mờ thông tin, ngay cả thị trường cũng đang mù mờ về xuất xứ nguồn gốc hàng hóa, đảm bảo chất lượng. Do vậy, người nông dân không còn con đường khác ngoài liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản.