Hiện trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp, cho hiệu quả kinh tế cao. Minh chứng như, mô hình liên kết chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và người dân trồng tre Bát Độ ở huyện Trấn Yên (Yên Bái).
Theo ông Triệu Phú Thịnh ở thôn Khe Ruộng, xã Kiên Thành (huyện Trấn Yên), trước đây gia đình ông chỉ trồng chưa đầy 0,3 ha tre Bát Độ, đến vụ thu hoạch không biết bán cho ai, giá cả bấp bênh cộng với vận chuyển đi xa, hiệu quả kinh tế không cao. Vì vậy, gia đình không mở rộng diện tích trồng mới và cũng không tập trung chăm sóc, thâm canh.
Từ khi có doanh nghiệp về thu mua, bao tiêu măng tươi ổn định, ký hợp đồng cam kết hỗ trợ và cử cán bộ kỹ thuật xuống hướng dẫn chi tiết, gia đình ông đã chuyển đổi phần lớn diện tích trồng cây sắn, keo sang trồng tre Bát Độ. "Đến nay, gia đình đã có hơn 3ha tre Bát Độ đến tuổi khai thác, khi vào vụ thu hoạch, dự kiến sẽ cho sản lượng 1 tấn măng tươi mỗi ngày” ông Thịnh phấn khởi chia sẻ.
Tại huyện Văn Yên, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và dịch vụ Phú Đạt, đã xây dựng thành công mô hình liên kết sản xuất rau an toàn theo chuẩn VietGAP, đây cũng chính là giải pháp để giải quyết bài toán khi nhiều loại nông sản của tỉnh chưa tìm được đầu ra ổn định trong bối cảnh hiện nay. Với việc HTX liên kết với doanh nghiệp đã bảo đảm ổn định đầu ra, đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động với mức lương 3 - 3,5 triệu đồng/người/tháng.
Ông Nguyễn Đức Điển, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Yên Bái cho biết: Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã triển khai 10 đề án thành phần, hỗ trợ phát triển 10 nhóm cây trồng, vật nuôi chủ lực gắn với thu hút, liên kết với doanh nghiệp…; đồng thời với việc ban hành hàng loạt cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân, thu hút doanh nghiệp, đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn. Hàng năm, tỉnh vẫn bố trí đầu tư trên 50 tỷ đồng từ nguồn ngân sách hỗ trợ cho sản xuất nông lâm thủy sản.
Bên cạnh đó, địa phương tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng. Đặc biệt, vận động Nhân dân chuyển đổi được trên 3.000 ha lúa nương kém hiệu quả, sang trồng ngô 2 vụ trên đất dốc theo phương pháp canh tác bền vững làm hàng hóa; chuyển sản xuất 1 vụ sang 2 vụ chắc ăn.
Từ thiếu đói vào thời kỳ giáp hạt, đến nay nhiều địa phương vùng DTTS và miền núi tỉnh Yên Bái không chỉ bảo đảm an ninh lương thực tại chỗ, mà còn có hàng ngàn héc ta ngô, lúa, thảo quả, sơn tra… sản xuất hàng hóa mang lại giá trị kinh tế cao.
Nhờ những chính sách hiệu quả, năm 2020, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái đạt 5%, cao hơn trung bình của cả nước, giá trị sản xuất nông lâm nghiệp đạt trên 7.525 tỷ đồng, tăng 56% so với năm 2010. Thu nhập của người dân nông thôn đạt 32 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 5 lần so với 2008, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn 7,04%.
Theo ông Nguyễn Đức Hiển, trong giai đoạn tiếp theo, Yên Bái sẽ tiếp tục thúc đẩy phát triển các mô hình sản xuất với các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp, mang lại giá trị kinh tế cao gắn với phát triển công nghiệp chế biến và mở rộng thị trường tiêu thụ.