Tham dự Diễn đàn còn có đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại diện Sở Nông nghiệp của các địa phương Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hòa Bình, Điện Biên và đại diện một số doanh nghiệp và các HTX trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Phát biểu khai mạc diễn đàn ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết: Hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang có định hướng lớn xây dựng các vùng nguyên liệu, hình thành vùng nguyên liệu tập trung phục vụ cho các nhà máy chế biến và xuất khẩu. Sơn La là một trong những địa phương có nhiều nhà máy chế biến rau quả như Doveco, tập đoàn TH…
Tuy nhiên để hình thành vùng nguyên liệu cần có sự liên kết giữa đơn vị quản lý, doanh nghiệp sản xuất… Thông qua diễn đàn này, các đơn vị quản lý, nhà sản xuất, doanh nghiệp sẽ được kết nối, đề ra giải pháp để xây dựng phát triển các vùng nguyên liệu từ thực tiễn. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ có những báo cáo, đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triên nông thôn để tích hợp các ý kiến từ các diễn đàn đưa vào các đề án để xây dựng và hình thành các vùng nguyên liệu lớn trong giai đoạn tới.
Phát biểu tại diễn đàn, bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp Sơn La cho biết: Xu hướng tiêu dùng của thế giới đang chuyển mạnh từ tiêu dùng sản phẩm quả, chế biến thô sang tiêu dùng sản phẩm chế biến sâu, là cơ hội cho ngành chế biến nông sản phát triển. Việc phát triển vùng nguyên liệu quy mô lớn tập trung trên cơ sở liên kết bền vững với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ là xu thế tất yếu của nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại.
“Vùng nguyên liệu được xác định là điểm khởi đầu và là nền tảng để phát triển các chuỗi giá trị hiệu quả, bền vững, nâng cao chất lượng nông sản, thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, qua đó đẩy mạnh chế biến nhằm nâng cao giá trị sản phẩm cây trồng, tăng sức cạnh tranh sản phẩm, bảo đảm chất lượng phục vụ xuất khẩu. Diễn đàn được tổ chức sẽ là cơ hội để góp phần xây dựng mối liên kết bền vững giữa doanh nghiệp chế biến, bao tiêu sản phẩm, người sản xuất, đơn vị quản lý… trên địa bàn tỉnh Sơn La nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung” bà Phong cho biết.
Theo báo cáo tại Diễn đàn, trong những năm gần đây diện tích cây ăn quả cả nước tăng khá nhanh cả về diện tích, sản lượng và giá trị đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng và tăng thêm thu nhập của nông dân. Hiện nay toàn vùng có 15 địa phương sản xuất cây ăn quả lớn, quy mô trên 10 nghìn ha/ tỉnh, một số địa phương các tỉnh phía Bắc đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa mang lại giá trị kinh tế cao, từng bước khẳng định được thương hiệu sản phẩm. Tuy nhiên, cùng với sự tăng trưởng diện tích, sản lượng, sản xuất cây ăn quả nước ta đang đứng trước một số hạn chế.
Tại Diễn đàn các đại biểu đã thảo luận đưa ra những giải pháp cơ chế chính sách, tháo gỡ những điểm nghẽn, tạo điều kiện môi trường thông thoáng, thuận lợi để nâng cao hiệu quả kinh tế của người sản xuất và lợi nhuận của doanh nghiệp; Phát triển mô hình sản xuất theo chuỗi, lựa chọn công nghệ, áp dụng các biện pháp thâm canh bền vững; Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng trên cơ sở áp dụng công nghệ thông tin, phần mềm truy xuất nguồn gốc. Ưu tiên các chương trình dự án khuyến nông xây dựng, phát triển các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị khép kín…
Trong khuôn khổ diễn đàn, các HTX sản xuất đã có những câu hỏi đặt ra đối với các đơn vị quản lý để khắc phục được tình trạng tiêu thụ sản phẩm nông sản được thuận lợi, chính sách hỗ trợ phát triển liên kết chuỗi cung ứng, cách sơ chế sản phẩm, cách phòng trừ sâu bệnh hại, chăm sóc cây trồng để mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân.