HTX Dược liệu Thuận Hằng, xã Thái Sơn (Hàm Yên) sau 3 năm thành lập, từ 7 thành viên, đến nay HTX đã phát triển với 15 thành viên và đang liên kết với Công ty cổ phần Nông nghiệp sạch công nghệ cao Quảng Bình (Quảng Bình) đầu tư trồng 4,1 ha cây dược liệu; trong đó 1 ha cây sâm bố chính; 3 ha cát sâm; 0,1 ha khôi nhung.
Ông Nguyễn Đức Thuận, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX cho biết, tham gia liên kết, HTX phải chịu sự giám sát chặt chẽ, thực hiện chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh hại cho cây theo đúng quy trình sản xuất hữu cơ, tuyệt đối không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất hóa học.
Hiện tại, giá doanh nghiệp niêm yết thu mua sâm bố chính là 140 nghìn/kg củ tươi, 170 nghìn/kg đối với củ cát sâm và 200 - 220 nghìn/kg khô đối với cây khôi nhung. Sản phẩm của các thành viên trong HTX đã được bao tiêu sản phẩm nên các thành viên rất phấn khởi. Dự kiến trong thời gian tới, HTX sẽ mở rộng phát triển thêm 10ha cây cát sâm, 2 ha cây khôi nhung, 2 ha sâm bố chính và 1 ha cây hà thủ ô đỏ.
Với cơ chế, chính sách của tỉnh, kinh tế HTX có những bước chuyển, đã có 160 HTX đã thực hiện chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật HTX với đa dạng hóa ngành nghề sản xuất kinh doanh, trong đó có 148 HTX hoạt động trên lĩnh vực phi nông nghiệp, dịch vụ. Nhiều HTX hoạt động rất hiệu quả, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho các thành viên như: HTX vận tải và dịch vụ môi trường Thanh Bình (TP Tuyên Quang); HTX khai thác đá Nhữ Khê (Yên Sơn)... Đa dạng hóa loại hình HTX đã thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển, là thành phần quan trọng trong nền kinh tế.
Ông Đồng Mạnh Cường, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Tuyên Quang cho biết, hiện tại tỉnh đã có nhiều cơ chế chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tập thể như: Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ HTX; hỗ trợ thành lập mới HTX; hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; hỗ trợ ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới; chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với HTX nông nghiệp. Tổng hợp đến giữa tháng 8 đã có ít nhất 44 HTX được hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, bao gồm trụ sở, nhà kho, nhà xưởng, công trình điện, nước... với tổng kinh phí 75,2 tỷ đồng. Ngoài ra, có 106 HTX được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất.
Đặc biệt, các HTX đã củng cố bộ máy, xây dựng phương án sản xuất, đầu tư máy móc, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, nhanh chóng thích nghi với cơ chế thị trường, tăng cường liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế trong hoạt động, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, góp phần trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của địa phương.
Trong dự thảo Đề án củng cố, đổi mới và phát triển kinh tế tập thể, HTX tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 sắp phê duyệt, tỉnh đặt ra mục tiêu: Phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững, đa dạng hóa ngành nghề thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thực hiện củng cố và mở rộng quy mô, phạm vi hoạt động của các HTX hiện có; phát triển các mô hình HTX gắn với các chương trình khuyến công, chương trình xúc tiến thương mại, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Về thương mại - dịch vụ, mở rộng quy mô và phát triển các HTX dịch vụ vận tải, du lịch kết hợp với mua sắm theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu thị trường; xây dựng loại hình HTX thương mại trở thành cầu nối cung ứng hàng hóa, dịch vụ của HTX và thành viên với hệ thống siêu thị, trung tâm phân phối; phát triển HTX theo hướng kinh doanh tổng hợp (mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ)...