Người con của núi rừng Tây Bắc
Nhà văn Kiều Duy Khánh là người dân tộc Kinh, bố mẹ anh quê ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ nhưng lên Sơn La làm công nhân cầu đường và lập nghiệp tại vùng rừng núi Tây Bắc. Kiều Duy Khánh cất tiếng khóc chào đời, uống ngụm nước đầu tiên tại dòng suối của bản Chờ Lồng, xã Yên Sơn, huyện Yên Châu (Sơn La).
Bản nhỏ Chờ Lồng cách TP. Sơn La khoảng 50km, là một vùng đặc biệt khó khăn, cư dân chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái. Từ khi sinh ra, Khánh đã được đồng bào Thái cưu mang, cả tuổi thơ chơi với đám trẻ con người Thái, ăn món ăn Thái, nói tiếng Thái và thực hành những phong tục tập quán của người Thái.
Lớn lên trong không gian văn hóa dân tộc Thái, Kiều Duy Khánh rất ham học và có niềm say mê đặc biệt với văn chương. Mỗi khi mượn được những tờ báo Thiếu niên Tiền phong, chuyên đề Thiếu nhi dân tộc từ thư viện nhà trường là cậu say sưa đọc. Vừa đọc, vừa suy ngẫm về những truyện ngắn, tản văn trên báo, cậu bé Duy Khánh chợt nghĩ “Người ta viết được truyện, tại sao mình không thử sáng tác để gửi báo xem”. Vậy là tranh thủ những buổi tối cuối tuần, Duy Khánh bắt đầu cặm cụi ngồi viết truyện - những câu chuyện giản dị với bối cảnh là bản làng và những đứa trẻ vùng cao.
Truyện ngắn đầu tiên Kiều Duy Khánh gửi Báo Thiếu niên Tiền phong có tiêu đề “Mùa nhãn rừng” và được Báo đăng tải ngay sau đó. Không chỉ được báo đăng, tác phẩm “Mùa nhãn rừng” còn đạt giải Khuyến khích trong cuộc thi “Trang viết đầu tay”, năm 1996. Từ tác phẩm đầu tay này, Duy Khánh trở thành cộng tác viên thường xuyên của Báo Thiếu niên Tiền phong và chuyên đề Thiếu nhi dân tộc.
Từ những trang viết đầu tiên đến hiện tại, bối cảnh và nhân vật trong truyện ngắn của Kiều Duy Khánh đều mang trong mình hơi thở của miền núi. Dấu ấn đó thể hiện qua tên những địa danh như núi Hơ Ngo, núi Cô Linh, núi Tà Lùng, rừng Tô Buông, hủm Tà Dê, suối Nặm Lẹ, đỉnh Cơi Pòn, bản Yên Thuội; hay tên người như ông Lở, lão Vạng, ông Khùa, bà Súa, bà Khao, thằng Ứng, thằng Sừa…
Đến nay, nhà văn Kiều Duy Khánh đã xuất bản 6 cuốn truyện, hơn 30 truyện ngắn in trong tuyển tập truyện, ký và thơ, hàng trăm tác phẩm được đăng trên các tạp chí văn nghệ Trung ương và địa phương. Anh cũng đạt giải cao tại nhiều cuộc thi truyện ngắn, thơ do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Sơn La, Hội Văn học Nghệ thuật các DTTS Việt Nam, Hội Nhà văn tổ chức. Đơn cử như năm 2019, tập truyện “Trở về với núi” của Kiều Duy Khánh đã được trao giải B về văn học của Hội Văn học Nghệ thuật các DTTS Việt Nam.
Nhà văn Kiều Duy Khánh tâm sự, sáng tác trên những cung đường cũng có những điều vô cùng thú vị, cảnh vật hai bên đường và đời sống sinh hoạt của người dân vùng cao chính là nguồn chất liệu dồi dào từ cuộc sống để mang đến cho anh những ý tưởng sáng tạo mới. Bởi thế mà bên cạnh đề tài chính là viết về miền núi, anh cũng viết khá nhiều tác phẩm về ngành cầu đường, về tinh thần hăng say, nhiệt tình cũng như sự hy sinh của những người lao động chân chính.
Với những đóng góp cho lĩnh vực sáng tác văn học nghệ thuật mảng đề tài dân tộc, miền núi, Kiều Duy Khánh đã được tỉnh Sơn La tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen về văn học nghệ thuật.