Huyện Khánh Sơn có đặc thù là đất đỏ bazan trộn đất phù sa với độ pH là 5-6, nơi đây lại có khí hậu mát mẻ, ôn hòa, là điều kiện phù hợp để trồng các loại cây ăn quả đem lại giá trị kinh tế cao như bưởi da xanh, măng cụt, mía tím, nghệ, sầu riêng… Thời gian qua, từ nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) huyện Khánh Sơn đã đầu tư xây dựng và cải tạo 11 công trình nước sinh hoạt và công trình thủy lợi.
Việc đảm bảo được nguồn nước phục vụ người dân sinh hoạt, sản xuất cũng là yếu tố để đồng bào DTTS ở Khánh Sơn có thể phát triển kinh tế. Theo đó, chính quyền địa phương đã vận động, hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, huyện Khánh Sơn cũng tổ chức các lớp tập huấn để người dân được tiếp cận với các kỹ thuật mới vào trồng trọt, chăn nuôi.
Trước đây người dân Raglai quen việc phụ thuộc vào thiên nhiên và có lối sống du canh du cư, do vậy việc chuyển đổi từ trồng lúa nước sang trồng cây ăn trái ở vùng đồng bào DTTS gặp vô vàn khó khăn. Chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền, hỗ trợ người dân từ kỹ thuật chăm sóc, đến cây giống, phân bón… cán bộ đến từng hộ để giám sát, tư vấn cách trồng trọt sao cho hiệu quả nhất.
Như gia đình chị Bo Bo Thị Loan, xã Sơn Bình sở hữu mảnh đất nông nghiệp 3.000m2 trước đây trồng chuối, cà phê, bưởi nhưng đem lại hiệu quả kinh tế không cao do không biết cách chăm sóc, gia đình vẫn không thoát khỏi cảnh nghèo. Nay gia đình chị được chính quyền địa phương tư vấn chuyển đổi sang trồng mía tím và sầu riêng để phù hợp hơn với khí hậu cũng như được hỗ trợ cách chăm sóc sao cho hiệu quả nhất.
Nhờ vận dụng hiệu quả các kiến thức đã học và sự giúp đỡ của cán bộ địa phương, từ 20 cây sầu riêng nay gia đình chị đã có 200 cây, ngoài ra còn có thêm bưởi da xanh, mía tím. Chị cũng được địa phương tư vấn nuôi thêm gà, bò, heo để tăng thêm thu nhập lấy ngắn nuôi dài. Nhờ vậy, gia đình chị Loan đã thoát nghèo, đời sống ngày một tốt hơn, con cái được chăm lo ăn học.
Bên cạnh cây sầu riêng thì cây mía tím cũng là một sản phẩm chủ lực của huyện Khánh Sơn. Hiện, huyện Khánh Sơn không chỉ động viên bà con Raglai chuyển từ cây lúa, cây mì kém hiệu quả sang trồng mía tím mà còn định hướng mía tím theo tiêu chuẩn VietGAP nâng cao cao chất lượng sản phẩm. Toàn huyện đã có 5ha mía tím đạt chuẩn VietGAP đem lại năng suất cao và thu nhập ổn định cho người dân. Bên cạnh việc tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc cây mía tím, chính quyền địa phương cũng khuyến khích bà con trồng xen cây họ đậu, ngô để duy trì độ phì nhiêu cho đất.
Thu nhập của gia đình ông Cao Văn Xiếng, thôn Xà Bói, xã Sơn Hiệp trước nay chỉ biết trông chờ vào có 3 sào ruộng lúa nước. Tuy nhiên, việc canh tác không hiệu quả, kinh tế cả gia đình vẫn luôn chật vật. Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, ông Xiếng đã vay vốn để chuyển đổi 3 sào lúa nước sang trồng cây mía tím. Ngay vụ mùa đầu tiên, gia đình đã thu về 50 triệu đồng từ 3 sào mía tim, nhờ số vốn này ông Xiếng có thêm kinh phí để đầu tư trồng thêm những diện tích mía tím mới.
Nhiều xã trên địa bàn huyện Khánh Sơn như: Ba Cụm Bắc, Sơn Hiệp, Sơn Trung, thị trấn Tô Hạp… cũng đã chuyển đổi sang mô hình trồng các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương. Nhờ vậy, toàn huyện đã có hơn 1.720ha sầu riêng, gần 70ha chôm chôm, hơn 330ha bưởi da xanh cùng hàng trăm héc-ta măng cụt, mít nghệ, cam, quýt đường, bơ booth…
Nhờ chuyển đổi mô hình nông nghiệp hiệu quả, nhiều gia đình đồng bào DTTS đã thay đổi cách nghĩ, cách làm, vươn lên thoát nghèo và khởi nghiệp thành công ngay trên mảnh đất quê hương.
Trước mặt, ngành Nông nghiệp huyện Khánh Sơn phấn đấu để chuyển đổi 888ha cây trồng có hiệu quả kinh tế thấp sang cây trồng có hiệu quả kinh tế cao từ nay đến năm 2030. Đồng thời, địa phương cũng sẽ tập trung đẩy mạnh việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để đạt hiệu quả tốt nhất.