Khó vượt “vũ môn”
Nghị định số 134/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 (được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 49/2015/NĐ-CP ngày 15/5/2015) quy định UBND cấp tỉnh tổ chức tiếp nhận và phân công công tác cho người được cử đi học theo chế độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp. Điều này vô hình chung đã “khoán trắng” trách nhiệm giải quyết việc làm của SV cử tuyển cho địa phương.
Trong bối cảnh số lượng biên chế ngày càng tinh giảm; hơn nữa số SV được cử đi học những ngành nghề theo nhu cầu của địa phương, khi ra trường thì vị trí việc làm được “đặt hàng” đã có sự thay đổi khiến địa phương khó tròn trách nhiệm được giao. Cũng vì vậy, SV cử tuyển được đào tạo nhưng không phải làm việc cho địa phương theo đơn đặt hàng, đi làm ngành nghề khác (hoặc thất nghiệp) mà không phải bồi hoàn kinh phí hỗ trợ cho Nhà nước.
Khắc phục sự cứng nhắc này, Nghị định số 141/2020/NĐ-CP ngày 8/12/2020 đã có những quy định chi tiết hơn nhằm bảo đảm nguồn kinh phí hỗ trợ không thất thoát, đồng thời để giải bài toán bố trí việc làm cho SV cử tuyển sau khi tốt nghiệp.
Khoản 2 – Điều 12 của Nghị định số 141/2020/NĐ-CP quy định: “UBND cấp tỉnh căn cứ vào nhu cầu công việc, vị trí việc làm, số lượng người làm việc được giao, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp công lập đối với vị trí việc làm là viên chức và căn cứ vào hồ sơ người học theo chế độ cử tuyển đã tốt nghiệp để xây dựng kế hoạch xét tuyển vào công chức, viên chức đối với người học theo chế độ cử tuyển”.
Đồng thời, Nghị định số 141/2020/NĐ-CP quy định: “Thời gian người học theo chế độ cử tuyển chờ xét tuyển và bố trí việc làm tối đa là 12 tháng, kể từ ngày tiếp nhận đủ hồ sơ để xét tuyển”. So với Nghị định số 134/2006/NĐ-CP thì quy định mới đã kéo thêm thời gian để địa phương triển khai kế hoạch tuyển dụng SV cử tuyển sau khi tốt nghiệp.
Tuy nhiên, nhiệm vụ bố trí việc làm cho SV cử tuyển của các địa phương vẫn khó hoàn thành khi chưa có chính sách đặc thù trong tuyển dụng. Theo quy định hiện hành, người DTTS tham gia thi tuyển hoặc xét tuyển công chức, viên chức hoặc công chức cấp xã chỉ được cộng điểm ưu tiên (5 điểm) trong thang điểm 100 và được miễn thi môn ngoại ngữ nếu dự tuyển vào vị trí việc làm công tác ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Một thực tế là, năng lực học tập vốn không cao, hơn nữa sau thời gian mỏi mòn chờ đợi được bố trí việc làm, làm đủ nghề để mưu sinh, kiến thức rơi rụng nhiều thì việc tham gia thi tuyển, xét tuyển theo quy định hiện hành là “cửa ải” đối với SV cử tuyển, không ít cựu SV cử tuyển không vượt qua. Đơn cử tại huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), thông tin từ Phòng Nội vụ cho thấy, tính đến tháng 9/2023, trong số 22 người học thuộc diện cử tuyển hiện chưa có việc làm thì có 19 người đã từng tham gia một hoặc nhiều lần tuyển dụng của địa phương, nhưng không trúng tuyển.
Giải pháp căn cơ
Những bất cập trong chính sách tạo nguồn và bố trí cán bộ người DTTS đã được Hội đồng Dân tộc của Quốc hội chỉ rõ và kiến nghị cần được sửa đổi trong Báo cáo số 458/BC-HĐDT15, ngày 16/6/2022 về kết quả giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016 – 2021. Ngày 13/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 378/QĐ-TTg, ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện các kiến nghị giám sát của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội.
Trong Kế hoạch, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan xây dựng Nghị định về cơ chế, chính sách thu hút và sử dụng người có tài trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập sau khi Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó cần nghiên cứu nội dung liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức người DTTS, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) năm 2020.
Việc xây dựng, ban hành chính sách cơ chế, chính sách đặc thù trong tuyển dụng, thu hút nhân tài người DTTS là rất cần thiết để tạo nguồn cán bộ chất lượng cho vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đây cũng là giải pháp căn cơ để bảo đảm “đầu ra” cho đối tượng được thụ hưởng chính sách đào tạo tại Nội dung số 02 thuộc Tiểu dự án 2 - Dự án 5 của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg (Chương trình MTQG 1719) – là một trong những trăn trở của đại biểu Quốc hội khi chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh ngày 7/6/2023 trong khuôn khổ kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Giải đáp trăn trở của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, hiện Bộ Nội vụ đang đánh giá việc thực hiện Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 về xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS trong hệ thống chính trị. Khi tổng kết Quyết định 402 và đề xuất chính sách mới, sẽ có chính sách đặc thù tuyển dụng đối với đội ngũ cán bộ người DTTS theo Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị (khóa XII). Đây cũng là một chính sách sẽ giải quyết vấn đề đầu ra trong lĩnh vực đào tạo đại học đối với những đối tượng đã được quy định trong Chương trình MTQG 1719.
Ngày 7/6/2023, trong kết luận nội dung chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực dân tộc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai các giải pháp để thực hiện hiệu quả Kết luận 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội; nghiên cứu sửa đổi Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc để thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, định hướng quan trọng về chính sách dân tộc cho giai đoạn 2021-2030. Đồng thời huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; trong đó, tập trung vào địa bàn đặc biệt khó khăn, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn và có khó khăn đặc thù.