Một trong những chính sách hỗ trợ người dân phát triển kinh tế được Lục Ngạn triển khai hiệu quả thời gian qua chính là chính sách tín dụng ưu đãi.
Chị Vi Thị Mạnh (sinh 1994), là người dân tộc Nùng tại thôn Hợp Thành, xã Phú Nhuận, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Năm 2015, khi mới lập gia đình, hai vợ chồng chị Mạnh gặp không ít khó khăn. Khi biết đến chính sách hỗ trợ ưu đãi vay vốn cho hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Lục Ngan, vợ chồng chị Mạnh đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng để đầu tư sản xuất. Với số tiền có được, gia đình chị đã cải tạo chuồng trại và mua 5 con dê giống về nuôi.
Ban đầu, do chưa có kiến thức, kinh nghiệm trong việc chăm sóc đàn dê nên việc chăn nuôi của gia đình gặp nhiều khó khăn. Chị Mạnh đã chủ động lên mạng Internet tìm hiểu thông tin, tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi dê do các cấp, ngành tại địa phương tổ chức. Có thêm kiến thức, chị cải tạo đất đồi để trồng cỏ, ngô, tận dụng cây cỏ tự nhiên ở rừng làm thức ăn cho dê. Nhờ vậy, đàn dê phát triển tốt. Mấy tháng sau, những con dê giống đã đẻ thêm 5 dê con.
Nhận thấy chăn nuôi dê phù hợp với quê hương, chị Mạnh đã quyết định mở rộng mô hình chăn nuôi bằng việc vay mượn thêm vốn từ họ hàng. Năm 2018, đàn dê của gia đình chị tăng lên 60 con. Vừa gây giống, vừa nuôi dê thương phẩm, sau 1 năm chị thu lãi khoảng 150 triệu đồng. Có thu nhập ổn định, năm 2019, gia đình chị đã thoát nghèo. Năm 2021, gia đình chị Mạnh đầu tư mua xe tải để thu mua nông sản như: vải thiều, táo, bưởi, cam, ngô… mang đi tiêu thụ tại các chợ đầu mối trong và ngoài tỉnh. Khoảng 2 năm trở lại đây, thu nhập của gia đình chị đạt từ 400 đến 500 triệu đồng/năm.
Theo chị Mạnh, nhờ đó mà kinh tế gia đình khấm khá lên, gia đình có điều kiện chăm lo cho con học hành tốt hơn. Từ thành công của gia đình, chị Mạnh cũng động viên, giúp đỡ những chị em khác cùng nỗ lực xóa nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Không chỉ riêng gia đình chị Vị Thị Mạnh, từ đầu năm đến nay, ngân hàng CSXH huyện Lục Ngạn đã giải ngân hơn 268 tỷ đồng cho hơn 5,6 nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách vay. Trong đó hơn 1 nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo được vay gần 90 tỷ đồng. Để chống tái nghèo, Ngân hàng tiếp tục áp dụng chính sách đặc thù tạo điều kiện cho 328 lượt hộ vay vốn để duy trì, mở rộng mô hình sản xuất, tạo nguồn thu nhập ổn định.
Nhằm nâng cao hiệu quả vốn vay, Ngân hàng CSXH huyện đã phối hợp với 4 tổ chức hội, đoàn thể địa phương, đưa vốn vay ưu đãi đến đúng đối tượng. Quan tâm phổ biến, hướng dẫn các hộ ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát huy hiệu quả nguồn vốn ưu đãi; việc thu lãi, trả nợ gốc được thực hiện kịp thời.
Năm 2023, Lục Ngạn phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn dưới 3%. Để thực hiện mục tiêu trên, theo ông Nguyễn Xuân Phú, Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Lục Ngan cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục tuyên truyền chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi đến người dân trên địa bàn, đặc biệt là người dân vùng đồng bào DTTS. Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức lồng ghép các chương trình chuyển giao công nghệ, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư đối với hội, tổ tiết kiệm và vay vốn, khách hàng vay vốn.
Cùng với việc hỗ trợ tín dụng từ Ngân hàng Chính sách, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2025, huyện Lục Ngạn được bố trí hơn 570 tỷ đồng để triển khai thực hiện các dự án. Đến nay, toàn huyện đã hỗ trợ 200 hộ dân làm nhà ở, 330 hộ thiếu đất sản xuất được chuyển đổi nghề, 650 hộ được hưởng dự án nước sinh hoạt phân tán. Cùng đó, triển khai xây dựng 2 công trình nước sinh hoạt tập trung tại xã Phong Minh; đầu tư 31 công trình hạ tầng cơ sở thiết yếu tại xã, thôn đặc biệt khó khăn…
Xã Hộ Đáp là một trong những điển hình trong thực hiện Chương trình tại huyện Lục Ngạn. Để các dự án được triển khai sớm, đúng đối tượng, Ban Quản lý các chương trình mục tiêu xã họp, đưa ra các giải pháp cụ thể, đồng thời giao nhiệm vụ cho từng thành viên. Đặc biệt, để chính sách đến đúng đối tượng, địa phương tổ chức rà soát từng trường hợp, cử cán bộ hỗ trợ các gia đình trong diện hưởng lợi từ Chương trình bổ sung, hoàn thiện thủ tục hồ sơ liên quan. Đến nay, toàn xã có 22 hộ được hỗ trợ về nhà ở, 30 hộ chuyển đổi nghề, 4 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán…
Là gia đình dân tộc thuộc diện nghèo khó của xã Hộ Đáp, gia đình anh Nguyễn Văn Đương được hỗ trợ 44 triệu đồng từ Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Cùng các hội, đoàn thể địa phương giúp đỡ ngày công, vợ chồng anh Đương đã xây được một căn nhà mới thay thế nhà vách đất. Anh Đương phấn khởi cho biết: “Ở trong nhà mới, gia đình không còn nơm nớp lo mỗi khi mưa bão, yên tâm sinh sống, phát triển kinh tế”…
Có thể thấy, việc triển khai hiệu quả các chính sách dân tộc trên địa bàn huyện Lục Ngạn thời gian qua đã giúp đồng bào các DTTS từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo hiệu quả.