Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đắk Lắk Huỳnh Bài cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 12.442 doanh nghiệp, 612 HTX và 3 liên hiệp HTX đang hoạt động. Khu vực kinh tế tập thể, HTX có những chuyển biến tích cực. Số HTX liên kết doanh nghiệp theo chuỗi giá trị đạt 88% kế hoạch. Nhiều HTX mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất và quản trị truyền thống, nâng cao hiệu quả hoạt động, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, góp phần tiếp sức, hỗ trợ người dân vươn lên thoát nghèo (đặc biệt là đồng bào DTTS).
Điển hình như HTX Nông nghiệp, dịch vụ Công Bằng Ea Kiết (ở xã Ea Kiết, huyện Cư M'gar) đã xây dựng được mối liên kết sản xuất có tính bền chặt, đạt hiệu quả cao. Cụ thể, hằng năm, HTX đã cung cấp hơn 700 tấn cà phê cho Công ty TNHH Dakman Việt Nam để sản xuất, chế biến cà phê theo tiêu chuẩn thương mại công bằng (Fairtrade) và sản phẩm được doanh nghiệp bao tiêu với giá cao hơn thị trường, mang lại lợi nhuận lớn cho HTX và nông dân địa phương (trong đó phần lớn là hộ đồng bào DTTS).
Từ 48 hộ góp vốn ban đầu, đến nay HTX có 97 thành viên và liên kết với 150 hộ dân sản xuất cà phê, phát triển vùng nguyên liệu 441 ha, trong đó có 161ha được chứng nhận Fairtrade. Bên cạnh đó, HTX đã đầu tư xây dựng nhà kho, nhà xưởng, máy móc, thiết bị sản xuất chế biến cà phê Honey, cà phê phân loại cung cấp nguyên liệu cho các nhà rang xay.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp, dịch vụ Công Bằng Ea Kiết cho biết, thành viên HTX tham gia chương trình sản xuất cà phê bền vững FLO với diện tích 183,3 ha, sản lượng hằng năm trên 5.000 tấn (bao gồm cà phê chứng nhận, cà phê phân loại, cà phê bột). Các thành viên HTX trồng cà phê theo tiêu chuẩn FLO khi bán ra, người mua trích lại cho người sản xuất hơn 440 USD/tấn. Cùng với đó, người trồng cà phê có chứng nhận FLO luôn có giá bán ổn định. Đối với HTX thu mua cho các thành viên sau khi trừ chế biến thường cao hơn từ 4.000 - 7.000 đồng/kg so với giá thị trường.
Khi tham gia HTX Nông nghiệp, dịch vụ Công Bằng Ea Kiết, các thành viên được tập huấn những quy trình sản xuất cà phê theo hướng bền vững nên đã góp phần tăng thu nhập. Nếu như năm 2011, bình quân thu nhập của các thành viên HTX đạt từ 25 - 30 triệu đồng/ha, thì đến năm 2023 đã tăng lên hơn 50 triệu đồng/ha/năm.
Bên cạch đó, HTX còn xây dựng nguồn quỹ để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và phục vụ xã hội ở xã Ea Kiết như: Đầu tư dây chuyền chế biến nông sản, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương. Nhờ đó đã giúp xã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới hồi năm 2022 và đang giữ vững, nâng cao tiêu chí nông thôn mới.
Hiện toàn huyện Cư M'gar có 51 HTX và 14 tổ hợp tác. Đa số các HTX, tổ hợp tác đều đã xây dựng được thương hiệu sản phẩm đặc trưng. Đặc biệt, một số HTX có sự liên kết hợp tác với nhau trong từng khâu của quá trình sản xuất, cũng như liên kết với nông dân, các doanh nghiệp để sản xuất chuỗi giá trị sản phẩm theo chứng nhận, bao tiêu sản phẩm.
Theo đánh giá của chính quyền địa phương, các mô hình liên kết mang lại lợi ích lớn cho nông dân và HTX, tổ hợp tác trong việc giảm chi phí sản xuất, sản xuất trên quy mô lớn, chất lượng sản phẩm đồng đều, canh tác bền vững và thị trường tiêu thụ ổn định. Từ sự phát triển của HTX và mô hình liên kết sản xuất, việc phát triển các sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Cư M'gar thời gian qua có nhiều thuận lợi. Đến nay, toàn huyện có 10 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Đây đều là những sản phẩm đặc trưng, có nhiều tiềm năng phát triển ổn định của huyện.
Ông Nguyễn Công Văn, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar cho biết, trong định hướng phát triển, huyện đặc biệt quan tâm đến việc hình thành những vùng chuyên canh, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xây dựng thương hiệu nông sản của địa phương. Nhờ vậy mà tỷ lệ hộ nghèo hiện nay ở huyện Cư M'gar chỉ còn khoảng 5,1%, hộ cận nghèo 7,6%...Thời gian tới, huyện tiếp tục khuyến khích các HTX, tổ hợp tác, nông dân căn cứ vào những tiêu chí chất lượng của thị trường để xây dựng, phát triển vườn cây theo hướng hữu cơ, an toàn, bền vững.
Tương tự, HTX Nông nghiêp dịch vụ Công bằng Ea Tu (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) được thành lâp năm 2015. Hiện HTX đang liên kết với gần 350 hộ dân trồng cà phê trên địa bàn xã Ea Tu, với tổng diện tích hơn 320 ha.
Ông Trần Đình Trọng, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ Công bằng Ea Tu cho hay, ngay từ khi mới thành lập, HTX đã tổ chức cho các xã viên, nông dân địa phương thay đổi tâp quán canh tác, sản xuất sản phẩm đạt các tiêu chuẩn, chứng nhân quốc tế, dán tem truy xuất nguồn gốc… để có thể bán sản phẩm với giá cao hơn. Đồng thời liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu để từng bước hình thành chuỗi giá trị, xây dựng thương hiêu cho vùng cà phê tại xã Ea Tu.
Hiện nay, HTX tổ chức sản xuất theo quy trình từ chăm sóc đến thu hái, sơ chế, chế biến cà phê bột, cà phê hòa tan… đạt chứng nhận FLO cho bà con nông dân và được Công ty TNHH Dakman Việt Nam tiêu thụ phần lớn sản phẩm cà phê nhân, với giá ổn định và cao hơn so với thị trường từ 2 – 2,5 triệu đồng/tấn; lợi nhuận bình quân mỗi xã viên tăng từ 10 – 15 triệu đồng/năm so với những hộ không tham gia vào HTX. Thông qua hoạt đông liên kết, xúc tiến thương mại, các sản phẩm của HTX Nông nghiệp dịch vụ Công bằng Ea Tu đã được nhiều khách hàng trong nước và trên thế giới (như Hà Lan, Nhật Bản, Thụy Sĩ, Anh, Pháp…) biết đến và đặt mua.
Nhìn chung khu vực kinh tế tập thể, HTX của tỉnh Đắk Lắk cơ bản đã phát triển theo đúng định hướng, là thành phần kinh tế quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hiện, UBND tỉnh và các ngành đang chú trọng tuyên truyền, quảng bá sản phẩm của địa phương, đẩy mạnh tiêu thụ ở các kênh truyền thống và kết nối với nhiều sàn giao dịch thương mại điện tử; tìm kiếm thị trường có tiềm năng xuất khẩu; kết nối giao thương giữa nhà cung cấp sản phẩm với các doanh nghiệp phân phối.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà nhấn mạnh: thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục quan tâm, định hướng và hỗ trợ các HTX mở rộng quy mô sản xuất; Đa dạng hóa thị trường, mở rộng thị trường mới; Có những sản phẩm nông sản mới, được đầu tư chuyên sâu về công nghệ để tham gia vào thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, các HTX cần ưu tiên phát triển thị trường nội địa - điểm tựa của nhiều doanh nghiệp khi thị trường thế giới gặp biến động mạnh. Các doanh nghiệp cung ứng và tiêu thụ sản phẩm kết nối bền vững với HTX để sản xuất kinh doanh hiệu quả…