Nằm ở vùng lõi của Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, huyện Mèo Vạc đã xác định đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành du lịch, nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh, thu hút du khách, tạo môi trường du lịch an toàn tối đa. Bên cạnh đó, khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, sử dụng các tiện ích phục vụ tốt hơn đối với người dân và du khách.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc Ngô Mạnh Cường, trong thực hiện chuyển đổi số, huyện Mèo Vạc đã triển khai các nội dung như: thanh toán các khoản dịch vụ trong du lịch không dùng tiền mặt; thực hiện đặt phòng, giữ phòng, đặt tour tuyến qua online, ứng dụng du lịch thông minh; tăng cường tuyên truyền, quản bá hình ảnh tiềm năng phát triển du lịch và sản phẩm du lịch của huyện qua các trang mạng xã hội và nền tảng số. Qua đó, giúp cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, HTX kinh doanh về lĩnh vực du lịch giảm được chi phí về nhân công, chi phí quản lý và rút ngắn được khoảng cách giữa khách du lịch và các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ.
Đối với các đơn vị kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, huyện cũng đã nhanh chóng thích ứng, cập nhật, chú trọng chuyển đổi số, trong đó, phải kể đến Ban quản lý Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông xã Pả Vi, HTX dịch vụ nông nghiệp và dịch vụ du lịch Tu Sản. Không chỉ trong ứng dụng trong hoạt động lưu trú, vận chuyển du khách, các hoạt động quảng bá đang được các đơn vị đẩy mạnh trên cơ sở tận dụng tối đa nền tảng công nghệ số. Đồng thời, không ngừng liên kết để nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như các sản phẩm du lịch và phương tiện đưa đón khách.
Ông Chu Minh Quang, Trưởng BQL Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông xã Pả Vi chia sẻ: Trong thời gian vừa qua, nhận thấy công nghệ 4.0 ngày một bùng nổ, chúng tôi đã tích cực đưa các sản phẩm dịch vụ của mình lên youtube, tiktok, facebook… Nhờ đó, giúp chúng tôi thuận lợi tiếp cận khách hàng nhanh nhất, hiệu quả nhất, và tiết kiệm kinh phí, hiệu quả kinh doanh tăng cao.
Có thể nói, chuyển đổi số giúp các đơn vị làm du lịch tại Mèo Vạc quảng bá hình ảnh, kết nối điểm đến với các du khách trong và ngoài nước. Thông qua, các ứng dụng phổ biến, như Google, Facebook, Zalo... du khách có thể dễ dàng tìm kiếm và lựa chọn các loại hình, địa điểm du lịch, giá cả dịch vụ phù hợp với nhu cầu. Tại hầu hết các điểm đến tham quan, du lịch trên địa bàn huyện đã ứng dụng mã QR và internet banking, để du khách có thể thanh toán điện tử bằng cách quét mã rất thuận tiện và nhanh chóng.
Phấn khởi khi lần đầu tiên đến trải nghiệm ngắm cảnh trên dòng sông Nho Quế thơ mộng, chị Nguyễn Thúy Hồng, du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Em có thể không cần phải mang theo nhiều tiền trong túi mà có thể quét thẻ, quét mã QR, tất cả mọi thứ đều có thể thanh toán. Ngoài ra, chúng tôi cũng biết đến các dịch vụ ở huyện Mèo Vạc qua trang fanpage, trên các nền tảng số, do đó rất thuận tiện để có một chuyến đi thành công.
Theo ngành chuyên môn huyện Mèo Vạc, lượng khách du lịch trong 9 tháng đầu năm 2023 đến huyện đạt 370.133 lượt người, số khách lưu trú qua đêm là 167.179 khách, trong đó khách nước ngoài 31.579 người. Lượng khách đến huyện đạt 92,53 % so với kế hoạch năm, doanh thu từ du lịch ước đạt 296 tỷ đồng.
Với những nỗ lực trong việc ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động du lịch đang góp phần giúp huyện Mèo Vạc trong quá trình phấn đấu, trở thành một điểm đến trọng điểm du lịch của tỉnh Hà Giang và là điểm sáng của du lịch vùng cao, góp phần thực hiện hiệu quả nội dung Tiểu dự án 2: Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS và miền núi thuộc Dự án 10, Chương trình MTQG 1719.