Ô nhiễm môi trường
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện tại, trên địa bàn huyện Vân Canh có 8 mỏ cát được UBND tỉnh Bình Định cấp phép hoạt động. Cụ thể, xã Canh Vinh có 5 mỏ: Công ty TNHH TM-DV Duy Hiệp, Công ty TNHH TM - XD Khôi, DNTN Thiện Phú, Công ty TNHH Danh Thành Đạt, Công ty TNHH Tân Thịnh chuyển cho Công ty TNHH Yến Tùng khai thác. Tại xã Canh Hiển có 3 doanh nghiệp: DNTN Đinh Toàn, Công ty CP Đầu tư Nắng Ban Mai, Công ty TNHH Tấn Thành.
Từ khoảng đầu tháng 2 đến nay, trung bình mỗi ngày ở mỗi mỏ có khoảng 100 lượt xe chở cát ra vào. Xe chạy ầm ầm cả ngày lẫn đêm làm ồn ào, bụi bay mù mịt, ảnh hưởng đến sức khỏe những người dân sống xung quanh. Ngoài ra, nhiều xe chở cát để nước từ xe chảy ướt cả mặt đường, gây ra nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông cho người đi đường.
Có mặt tại cầu Ngô La (km13+100) tuyến QL 19C, thuộc thôn Hiệp Vinh, xã Canh Vinh vào buổi trưa cuối tháng 3, chỉ trong vòng chưa đầy 30 phút, chúng tôi quan sát thấy có hàng chục xe chở cát đi - đến, gây tắc nghẽn lối ra vào mỏ cát.
Theo người dân sống quanh khu vực, các xe này chạy cả ngày, song cao điểm nhất là vào lúc sáng sớm, trưa và chiều tối. Chị Nguyễn Thị Hồng, nhà ngay cạnh đường đi xuống bãi cát, nói: Việc kinh doanh, vận chuyển cát theo đúng giấy phép của cơ quan chức năng cấp, tôi không có ý kiến. Nhưng các xe chạy tấp nập, bấm còi inh ỏi, bụi mù mịt, gây nguy hiểm cho người đi đường thì không thể chấp nhận được.
Không chỉ gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến môi trường, việc khai thác cát với tần suất cao còn ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân xung quanh mỏ cát. Ông Đỗ Kim Chung, sống cạnh cầu Ngô La, xã Canh Vinh, bức xúc: “Việc khai thác cát rầm rộ khiến cho các giếng nước trong vùng bị cạn. Chẳng những vậy, nguồn nước cũng bị ô nhiễm, đục ngầu, làm ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt hàng ngày của chúng tôi. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp múc cát quá sâu làm thay đổi hiện trạng dòng chảy, mỗi khi vào mùa mưa, nước chảy xiết gây sạt lở đất của người dân.
Trong khi đó, anh Thạch Kim Triều, một người dân ở gần mỏ cát bức xúc nói: Mỗi năm, cứ đến mùa khai thác cát, là cuộc sống của người dân chúng tôi bị đảo lộn, nhà cửa thì bụi bám đầy, giếng nước thì khô cạn. Chưa kể, do xe chở cát quá tải, nước chảy lênh láng trên đường, làm cho nhiều đoạn quốc lộ 19C bị hư hại nghiêm trọng. Đoạn đường này đã được sửa chữa nhiều lần, nhưng vừa nâng cấp xong, các xe chở cát lại tiếp tục phá hỏng. Người dân ở đây đã nhiều lần gửi đơn đến ngành chức năng, yêu cầu chấn chỉnh tình trạng khai thác, vận chuyển cát, nhưng đâu lại vào đó.
Cần siết chặt quản lý
Được biết, quy trình khai thác mỏ cát, ngoài các thủ tục cấp phép, thì doanh nghiệp phải bảo đảm các yếu tố an toàn mỏ; cắm bảng thông báo mỏ, biển báo nguy hiểm; rào chắn bảo vệ; cắm mốc phạm vi, độ sâu khai thác cát; yêu cầu mỏ cát phải gắn camera, lắp đặt trạm cân trong hoạt động khai thác khoảng sản trên các dòng sông, bảo vệ môi trường, không gây ảnh hưởng đến tính mạng, đời sống người dân.
Thế nhưng, hầu hết các doanh nghiệp được khai thác cát trên sông Hà Thanh đều không thực hiện đầy đủ. Khi đi vào khai thác cát, các doanh nghiệp không cắm mốc chỉ giới tọa độ, cắm biển báo nguy hiểm, bảng thông tin mỏ khoáng sản, không lắp đặt camera mỏ cát nơi doanh nghiệp được phép khai thác.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Bài, Chủ tịch UBND xã Canh Vinh cho biết: Theo quy định, các chủ mỏ phải bảo đảm khai thác cát khô, để cát dồn thành đống mới được múc lên xe vận chuyển trên đường. Hiện nay, đang là mùa nắng nên vấn đề nước chảy trên đường không đáng ngại. Song, vấn đề khiến người dân bức xúc và phản ánh lên xã, là mật độ xe chở cát quá dày, gây mất an toàn giao thông, bụi đất bay vào nhà, ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.
“Biết là các doanh nghiệp đều được cấp phép khai thác cát, hiện nay đang là mùa xây dựng nên nhu cầu cát tăng cao, các doanh nghiệp tranh thủ làm. Tuy nhiên, để không ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, chính quyền xã đề nghị các doanh nghiệp phải tuân thủ đúng quy trình khai thác. Các tài xế lái xe nên chạy chậm và giãn thời gian để hạn chế bụi bay vào nhà dân”, ông Bài chia sẻ thêm.
Còn ông Nguyễn Quả, Chánh Thanh tra Giao thông (Sở Giao thông Vận tải Bình Định) cho hay: Khi có mặt lực lượng chức năng thì các lái xe chở cát né tránh, cho xe đứng yên dưới mỏ cát. Thậm chí có những xe đã chạy được một đoạn, thì quay lại mỏ đổ cát rồi chạy xe không về, nên rất khó xử lý. Trước phản ánh của người dân về vấn đề xe chở cát quá khổ, quá tải, gây ra bụi bẩn ra đường, tôi sẽ chỉ đạo các đội tăng cường công tác tuần tra, xử phạt; đồng thời buộc các đơn vị khai thác cát cam kết thực hiện đúng các quy định khi tham gia giao thông và bảo vệ môi trường.