Chúng tôi có dịp dùng bữa trong ngày tết Nguyên tiêu tại nhà Nghệ nhân Ưu tú Lê Đại Năm tại xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc), xã có hơn 90% là người Sán Dìu. Nhìn vào mâm cơm với đầy đủ các món cổ truyền: Thịt chua, gà đồi luộc, nem rán, thịt nướng, lươn nấu cây chuối, đặc biệt là món bánh tro, bánh chưng gù… cũng cảm nhận được phần nào sự hấp dẫn trong văn hóa ẩm thực của người Sán Dìu.
Nghệ nhân Lê Đại Năm chia sẻ: Vào các dịp tết, gia đình ông đều chuẩn bị đầy đủ các món ăn và bánh truyền thống để cúng tổ tiên, trong đó có nhiều món được làm rất cầu kỳ. Ví dụ, để làm được món bánh tro, người Sán Dìu phải chuẩn bị rất lâu, từ giai đoạn chọn loại cây xoăn, cây đậu để đốt thành tro, lọc nước tro và ngâm với gạo nếp cả đêm; gói bánh tro làm sao cho đẹp; đặc biệt đun bánh sao cho đủ lửa là cả một kỹ thuật. Món bánh chưng gù cũng thật cầu kỳ, từ khâu chọn nguyên liệu, gói bánh làm sao để có sáu góc và gù đẹp mắt là cả một quá trình tập luyện. Phụ nữ Sán Dìu thường phụ trách làm các loại bánh trên và đó cũng chính là tiêu chí đánh giá sự đảm đang của người phụ nữ.
Theo ông Lê Đại Năm, thức ăn của người Sán Dìu xưa kia rất đơn giản, rau là thành phần chủ đạo; các loại thịt cá được thay đổi nhưng không thường xuyên. Các món ăn của người Sán Dìu khá đa dạng và có cách chế biến gần giống với người Việt. Tuy nhiên, có một số món đặc trưng như: Lươn nấu thân chuối, thịt thính, thịt chua, nhộng ong, xôi đen, xôi trứng kiến… Hầu hết thực phẩm đều được gia đình nuôi trồng, nên có gì dùng nấy. Nuôi trồng nhiều, đồng bào biếu nhau cùng dùng hoặc đem đi muối, phơi khô để sử dụng dần.
Cách bài trí thức ăn, thức uống trong mâm cơm của người Sán Dìu thể hiện sự kính trên, nhường dưới. Các món ăn ngon nhất được đặt tại trung tâm và có xu hướng gần người cao tuổi nhất, các món rau được đặt xung quanh. Trong bữa ăn, người trẻ bao giờ cũng mời và chúc người lớn tuổi ăn ngon miệng, người lớn tuổi thường nhường và gắp món ăn ngon nhất cho trẻ em.
Khi nhà có khách, nhất là những khách ở xa đến, để tỏ lòng hiếu khách, người Sán Dìu bao giờ cũng mời cơm nhiệt tình, gắp những miếng ngon nhất cho khách.
Bên cạnh đó, thức uống của người Sán Dìu rất phong phú. Đầu tiên phải kể đến rượu; gồm rượu cất (chúy chíu) và rượu nếp cái. Rượu cất được nấu từ nhiều loại khác nhau như gạo tẻ, gạo nếp, ngô, sắn… Các nguyên liệu này được nấu chín rồi ủ men, sau đó cất thành rượu. Ngoài ra còn có rượu mật mía, rượu nếp cái.
Các loại thức uống thường ngày được đồng bào sử dụng là cháo loãng (chốc ím). Loại nước uống này rất phổ biến và được coi là thứ nước giải khát, vừa mát lại vừa bổ dưỡng. Ngoài ra, còn có nước lá vối (rúi nhống sã), nước sa nhân (rúi thôôc sa chấy), tu hú (tu hụ thanh) hay những loại đồ uống có công dụng chữa bệnh như: Nhân trần, râu ngô, cỏ mật…
Nhìn chung, người Sán Dìu tại Vĩnh Phúc từ lâu đã gần gũi với người Việt nên văn hóa ẩm thực đã có sự giao thoa. Tuy nhiên, có nhiều món ăn được người Sán Dìu giữ lại làm bí quyết và là thương hiệu cho riêng mình, thể hiện bản sắc văn hóa ẩm thực của người Sán Dìu tại Vĩnh Phúc.