Món tung lò mò (hay còn gọi là lạp xưởng bò) được làm hoàn toàn từ thịt bò nguyên chất, phải là thịt bò mới làm, không sử dụng chất bảo quản, không trộn lẫn thịt mỡ heo (vì người Chăm không ăn thịt heo). Để làm món tung lò mò, người Chăm phải sử dụng ruột bò (hoặc tàu hủ ky) bao bên ngoài, bên trong dồn thịt bò đã xay nhuyễn trộn với gia vị như tiêu, tỏi và một ít nguyên liệu bí truyền của người Chăm.
Theo kinh nghiệm của người Chăm, để món tung lò mò thật ngon thì phải lấy nguyên liệu ngon từ thịt đùi hoặc thịt nạc lóc từ xương. Ông Hứa Hoàn Vũ, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu (An Giang), chủ cơ sở lạp xưởng bò ANAS cho biết, tung lò mò được làm theo tỷ lệ khoảng 8 phần nạc và 2 phần mỡ trộn đều với một ít gia vị như muối, đường, bột ngọt, tiêu. Sau khi hoàn thành công đoạn sơ chế, tất cả thịt bò ướp gia vị sẽ được dồn vào ruột bò (hoặc tàu hủ ky), thắt từng khúc. Trước khi đem phơi, phải dùng vật nhọn nhỏ đâm thủng các tung lò mò đã nhồi thịt để rỉ nước ra ngoài cho mau khô. Phơi món tung lò mò chỉ phơi trong nắng sớm rồi lại đem vào nhà bảo quản trong ngăn lạnh.
Tung lò mò có hai loại là loại chua và không chua, nhưng phổ biến là loại không có vị chua. Món ăn này có thể ăn kèm với nhiều món khác bằng cách nướng, chiên hoặc hấp, nhưng ăn theo cách nướng trên than hồng được xem là ngon nhất. Khi tung lò mò được nướng chín sẽ chảy mỡ và rất thơm, chấm với tương ớt, tạo nên vị ngọt bùi của thịt mỡ cùng vị thơm cay của gia vị đặc trưng. Đây cũng chính là lý do mà tung lò mò không chỉ là món ăn đơn thuần của người Chăm mà còn trở thành sản phẩm hàng hóa được tất cả cộng đồng cư dân khác yêu thích đặt mua về ăn. Nhờ đó, mà nhiều hộ đã có thêm thu nhập từ việc chế biến ra món ăn độc đáo này.
Bà Nguyễn Thị Kim Chi, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Xã hội AGICHAM - Kim Chi (xã Đa Phước, huyện An Phú) cho biết, du khách đến đây thường mua về làm quà. Thời gian gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khách du lịch đến địa phương đã giảm nhiều nhưng các cơ sở sản xuất tung lò mò vẫn đang duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh món đặc sản này.
“Có công ty ở TP. Hồ Chí Minh muốn mua công thức chế biến tung lò mò nhưng bà con không bán, vì bà con làm tung lò mò là để giữ gìn văn hóa ẩm thực truyền thống chứ không phải chỉ để làm giàu. Dẫu các cơ sở ở đây nhỏ nhưng vẫn giữ được nét riêng ở làng Chăm này, chứ bán công thức rồi thì trên thành phố người ta làm thì sẽ không còn tính đặc trưng của tung lò mò làng Chăm nữa”, bà Chi cho biết.