Đổi mới nếp nghĩ, cách làm
Kể từ khi sáp nhập huyện Hoành Bồ vào thành phố Hạ Long, khu vực nông thôn của thành phố Hạ Long có 12 xã, trong đó 11 xã ở vùng cao miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số nằm cách xa trung tâm, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn: sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún chưa có nhiều hình thức liên kết trong sản xuất, sản phẩm ít và không ổn định, nhận thức chưa cao về chương trình xây dựng NTM…
Nắm bắt những khó khăn trên, thành phố Hạ Long tích cực chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Thành phố cũng đã điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, trong đó nổi bật là ưu tiên dành nguồn lực đầu tư cho các xã vùng cao thực hiện chương trình 135, chương trình xây dựng NTM, với tổng kế hoạch vốn đầu tư trên 139 tỷ đồng...;
Chính quyền đẩy mạnh hỗ trợ vốn, giống từ chương trình xây dựng NTM của địa phương. Qua đó, dần làm thay đổi tư duy sáng tạo, chủ động của người dân nơi đây. Ccác gia đình bắt đầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đem lại năng suất cao hơn như trồng nho, keo, ổi VietGAP…; Qua đó, thu nhập của các hộ gia đình tăng từ 5-10%/năm, từng bước thoát nghèo bền vững.
Anh Vy Văn Tuyên, thôn Đồng Giang, xã Sơn Dương cho biết, với diện tích 700m2, gia đình ông chuyển từ trồng ổi thông thường sang ổi VietGAP quả to, vị ngọt, giòn và thơm hơn rất nhiều. Cây ổi cho thu hoạch quả quanh năm, nếu chăm sóc tốt có thể thu doanh thu gấp 1,5-2 lần so với giống ổi cũ.
Anh Tuyên chia sẻ: “Mới chuyển sang trồng ổi VietGAP mấy năm mà kinh tế gia đình tôi khá hơn hẳn. Khi thu hoạch, người buôn cũng vào tận nơi thu mua luôn. Ở thôn nhiều nhà đang dần chuyển sang trồng giống ổi này”.
Không những thế, từ chỗ sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ hiệu quả thấp, người dân đã mạnh dạn thay đổi, ứng dụng khoa học kỹ thuật, liên kết sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Chị Díu Thị Sơn, xã Thống Nhất cho biết, từ diện tích trồng ổi, nuôi cá đã có, gia đình đầu tư thêm vốn chỉnh trang thành mô hình nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch trải nghiệm. Giờ đây, trang trại gia đình chỉ là một trong những địa điểm du khách lựa chọn khi về đây du lịch trải nghiệm.
Chị Díu Thị Sơn phấn khởi thông tin: “Mừng lắm, với diện tích đất nhà mình vẫn làm từ trước đến nay, giờ phát triển thêm mô hình này thì vừa tạo đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, vừa có thêm nguồn thu từ sản phẩm du lịch”.
Đẩy mạnh các phong trào
Đến nay 12/12 xã của thành phố Hạ Long đã đạt chuẩn NTM, trong đó có 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Không chỉ đổi mới tư duy trong phát triển kinh tế, các phong trào như “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, hiến đất làm đường; vệ sinh môi trường thôn, khu, bản đã được Nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, tạo nên diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp, đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.
Ông Vũ Thanh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Đồng Lâm chia sẻ, với một xã đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ lớn như Đồng Lâm, những năm qua, chính quyền xã rất chú trọng việc tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy trong phát triển kinh tế để nâng cao đời sống Nhân dân, xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, là chú trọng xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp với thổ nhưỡng, tập quán canh tác của bà con. Nhờ vậy, đời sống của đồng bào từng bước được nâng lên.
Nếu như năm 2018, xã còn 47 hộ nghèo (chiếm 8,2%), 137 hộ cận nghèo (chiếm 24,1%), thu nhập bình quân 30,9 triệu đồng/người/năm, thì nay, xã không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo cũng không đáng kể. Kết quả này, góp phần thu hẹp chênh lệch khoảng cách giữa khu vực đô thị và các xã nông thôn, khu vực vùng cao trên địa bàn thành phố Hạ Long.