Giống lúa giúp dân đổi đời
Nằm dưới chân núi lửa Nâm Blang thời tiết vốn khắc nghiệt, mưa thì ngập lụt, mùa khô nắng nóng bỏng rát, tình trạng thiếu nước thường xuyên diễn ra khiến xã Buôn Chóah từng là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo đứng nhất nhì tỉnh nhiều năm qua. Từ khi trồng thành công giống lúa cho sản phẩm gạo ngon nhất thế giới ST25, nay người dân Buôn Chóah đã đổi đời.
Nhiều năm làm lúa trên cánh đồng Buôn Chóah, đến nay kinh tế gia đình ông Dương Văn Lực, thôn Ninh Giang, xã Buôn Chóah trở nên giàu có. Ông Lực nói, nếu làm lúa theo cách truyền thống giỏi lắm cũng chỉ đủ ăn. Từ khi tôi trồng lúa gạo đặc sản ST24, ST25 năng suất, chất lượng cao vượt trội cuộc sống dần ổn định. Đặc biệt, khi biết áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến theo tiêu chuẩn VietGAP giá trị kinh tế cao.
Với 9ha lúa mỗi vụ, ông Lực thu hoạch khoảng hơn 90 tấn lúa. Trồng lúa đặc sản theo tiêu chuẩn VietGAP bán giá cao, ổn định, sau khi trừ chi phí mỗi ha lúa lãi 45 triệu đồng. “So với nhiều loại cây trồng khác, ở đây cây lúa đang cho bà con nông dân giá trị kinh tế cao nhất”, ông Lục cho hay.
Tương tự, từ hộ nghèo của xã, nay gia đìnhh anh Nguyễn Văn Sỹ, thôn Ninh Giang đã có cả cơ ngơi nhờ trồng lúa đặc sản ST25. Anh Sỹ cho biết, kinh tế gia đình phụ thuộc vào lúa. Trước đây, chúng tôi cũng sản xuất lúa hai vụ, nhưng giống kém năng suất, lại thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thời tiết, thu nhập chẳng được là bao. Con trai tôi mắc bệnh hiểm nghèo, gia đình xoay sở đủ đường lo chữa bệnh cho con, khó càng thêm khó. Sau này, Nhà nước dồn điền đổi thửa, đưa giống lúa đặc sản ST25 về trồng, đời sống người dân thay đổi từng ngày. Năm 2021, gia đình anh xuống 3,6ha giống lúa ST25 thu hơn 80 tấn lúa, trừ chi phí tôi lãi khoảng 300 triệu đồng.
“Tôi không chỉ có đủ tiền chữa bệnh cho con mà còn mua sắm nhiều loại máy móc phục vụ sản xuất. Giống lúa ST24, ST25 bám rễ vùng đất này, đã giúp tôi và nhiều hộ dân nơi đây đổi đời thật sự, kinh tế ngày càng khá giả”, anh Sỹ cho biết thêm.
Nâng tầm giá trị vùng lúa "đặc sản"
Theo báo cáo, cánh đồng Buôn Chóah có diện tích hơn 700ha, không những là vùng trọng điểm lương thực của tỉnh Đắk Nông, mà còn là một trong những vùng chuyên canh lúa lớn nhất Tây Nguyên. Hiện nay, Buôn Chóah có khoảng 200ha lúa, được người dân chọn giống lúa ST24, ST25 vào sản xuất. Nhờ cây lúa mà cuộc sống của người dân nơi đây ngày càng ấm no, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, không ít hộ làm giàu từ cây lúa.
Để lúa gạo Buôn Chóah có chất lượng đồng đều, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông đã quyết định, triển khai xây dựng dự án “Phát triển sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP trên toàn bộ cánh đồng xã Buôn Chóah, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông”.
Dự án hướng đến mục tiêu xây dựng vùng nguyên liệu gạo chất lượng cao đạt chứng nhận VietGAP, nâng cao săng suất, chất lượng lúa gạo; liên kết với nông dân tổ chức sản xuất, tiêu thụ lúa gạo bền vững, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa và thu nhập cho nông dân.
Ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông đánh giá, những năm qua, lúa gạo có ý nghĩa quan trọng trong phát triển nông thôn, tăng thu nhập cho người dân và góp phần phát triển kinh tế địa phương. Việc sản xuất lúa theo hướng VietGAP càng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người dân. Sản xuất lúa VietGAP giúp lúa tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất và góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe người dân.
Tháng 1/2021, UBND tỉnh Đắk Nông đã công nhận, vùng sản xuất lúa Buôn Chóah, là 1 trong 3 vùng sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao đầu tiên của tỉnh. Điều đó đã tạo tiền đề quan trọng, để thương hiệu “Lúa gạo Buôn Chóah” đến người tiêu dùng trong nước và quốc tế.
Ông Doãn Gia Lộc, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Nô cho biết, xã Buôn Chóah đã xây dựng được thương hiệu “Lúa gạo Buôn Chóah” riêng gắn với Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông-hệ thống hang động núi lửa Krông Nô.
Trên địa bàn hiện có 2 hợp tác xã trồng lúa đang hoạt động hiệu quả, sản phẩm lúa gạo đều đạt các chứng nhận OCOP. Năng suất lúa của hai hợp tác xã khá cao, một vụ trung bình mỗi héc ta thu hoạch hơn 10 tấn/ha, cá biệt có nơi năng suất đến 15 tấn/ha. So với mặt bằng chung về cây lúa, thì năng suất, chất lượng lúa gạo Buôn Chóah cao hơn hẳn, thậm chí còn cao hơn vùng sản xuất lúa gạo lớn nhất cả nước- Đồng bằng sông Cửu Long.
Với năng suất cao vượt trội, có thể thấy cánh đồng Buôn Chóah là nơi có năng suất lúa lớn nhất Tây Nguyên. “Bà con nông dân cũng dần thích ứng, chủ động ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác, sản xuất. Lúa gạo Buôn Chóah đang từng ngày khẳng định vị thế trên thị trường”, Lộc cho biết thêm.