Nhiều tiềm năng
Theo ông Nguyễn Tấn Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây lâu năm, Viện Khoa học - Kỹ thuật (KHKT) Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ, thì điều kiện tự nhiên, đất đai, khí hậu, thị trường tiêu thụ đang là những thế mạnh để phát triển trồng cây ăn quả ở 3 huyện: Hoài Ân, Hoài Nhơn và An Lão. Mùa mưa ở Bình Định trái với mùa mưa ở các vùng trồng cây ăn quả trọng điểm là miền Đông Nam Bộ và miền Bắc. Do đó, thời điểm thu hoạch cây ăn quả ở Bình Định trái vụ tự nhiên với các vùng khác, giúp tránh được sự cạnh tranh trong khâu tiêu thụ.
Nắm được lợi thế này, thời gian qua, cả 3 huyện Hoài Ân, Hoài Nhơn và An Lão đều xác định, cây ăn quả là một trong những loại cây trồng có thế mạnh của địa phương. Năm 2019, tổng diện tích trồng cây ăn quả của 3 huyện ước đạt gần 2.500ha; trong đó, huyện Hoài Ân có 1.423ha, huyện Hoài Nhơn có 637,7ha, huyện An Lão 352ha.
Tại huyện Hoài Ân, trong khi diện tích cây ăn quả truyền thống như, chuối, đu đủ có xu hướng giảm thì diện tích trồng bưởi da xanh và bơ không ngừng tăng lên. Theo ông Nguyễn Hữu Khúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, toàn huyện có trên 250ha bưởi da xanh, trong đó có gần 70ha đang trong thời kỳ kinh doanh.
“Song song việc xây dựng sản phẩm bưởi sạch, huyện Hoài Ân cũng tập trung mở rộng thị trường, bước đầu hướng ra các tỉnh trong khu vực miền Trung. Hoài Ân sẽ hình thành chuỗi liên kết, mở rộng diện tích, đầu tư công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGAP để bưởi Hoài Ân đủ tiêu chuẩn xuất khẩu”, ông Khúc cho biết.
Tại huyện Hoài Nhơn, bên cạnh diện tích trồng chuối khá lớn, huyện đã phát triển dừa xiêm, bưởi, bơ, cam và xoài. Huyện miền núi An Lão thời gian qua đã phát triển một số loại cây có múi, trong đó trồng nhiều nhất là bưởi da xanh với 79,5ha, ngoài ra còn có cam, sầu riêng, bơ, quýt.
Đẩy mạnh liên kết để phát triển
Tuy nhiều tiềm năng phát triển nhưng hiện tại, diện tích sản xuất cây ăn quả ở 3 huyện còn manh mún nên doanh nghiệp rất khó tiếp cận. Chưa nơi nào hình thành chuỗi sản xuất và tiêu thụ khép kín để thuyết phục khách hàng về sự ổn định của chất lượng và nguồn cung.
Để giải quyết vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, cần phải đẩy mạnh liên kết tiêu thụ theo chuỗi. Trên thực tế một số địa phương đã triển khai thực hiện và đạt được kết quả ban đầu.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Hoài Ân cho biết: Từ năm 2016, huyện đã phối hợp với Viện KHKT Nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ tiến hành quy hoạch diện tích trồng cây ăn quả có thế mạnh tại 10 xã; trong đó, diện tích quy hoạch trồng bưởi là 771ha. Hiện nay, “Bưởi Hoài Ân” đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu tập thể. Huyện tiếp tục hỗ trợ các hộ trồng bưởi về mặt kỹ thuật sản xuất nhằm nâng tầm sản phẩm, tạo đầu ra bền vững.
Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, các địa phương cần xác định sản phẩm chủ lực của mình, đăng ký bảo hộ độc quyền sản phẩm, áp dụng tiến bộ KHKT, tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường. Sẽ rất khó thuyết phục doanh nghiệp tham gia khi quy mô sản xuất vẫn nhỏ lẻ như hiện tại.
“Riêng với việc tạo lợi thế cạnh tranh, tôi lấy ví dụ với cây bưởi da xanh đang được các địa phương trồng nhiều, thử tính toán xem nên xây dựng vùng sản xuất bưởi hữu cơ hay vùng sản xuất bưởi an toàn. Làm ngay từ bây giờ để trong 4 - 5 năm nữa, dù trên thị trường có nhiều loại bưởi chẳng hạn thì Hoài Ân có bưởi sạch hoặc bưởi hữu cơ đủ sức cạnh tranh...”, ông Hổ khẳng định.