Gìn giữ sự đa dạng
Hội nhập quốc tế đang là một xu thế khách quan, một mặt tạo cơ hội để mở rộng giao lưu, tiếp biến văn hóa giữa các dân tộc, quốc gia; mặt khác làm nảy sinh nguy cơ mai một các giá trị văn hóa truyền thống của từng dân tộc. Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước ta đặc biệt chú trọng công tác gìn giữ, phát huy các bản sắc văn hóa truyền thống trong quá trình tiếp nhận những giá trị mới, tiến bộ, hiện đại, nhân văn của văn hóa nhân loại.
Trong cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật năm 2022), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phân tích, chỉ ra quá trình phát triển, hoàn thiện nhận thức của Đảng ta về văn hóa và con người. Trong đó, văn hóa được coi là một trong 4 trụ cột chính sách, là nền tảng tinh thần, đồng thời cũng là nguồn lực nội sinh, động lực phát triển kinh tế - xã hội (KT – XH).
Quá trình thực hiện chính sách dân tộc những qua cho thấy, cùng với đầu tư, hỗ trợ phát triển KT – XH thì công tác bảo tồn, phát triển văn hóa các DTTS là lĩnh vực được quan tâm đặc biệt. Trong giai đoạn 2011 – 2020, trong 445 văn bản chính sách được ban hành để triển khai Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/1/2011 của Chính phủ về Công tác dân tộc, xét về số lượng thì lĩnh vực bảo tồn và phát triển văn hóa đứng thứ 3 - với 33 văn bản, chỉ sau chính sách đầu tư phát triển bền vững (163 văn bản) và chính sách phát triển giáo dục và đào tạo (94 văn bản).
Theo PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thanh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dân tộc học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), hệ thống chính sách dân tộc trên lĩnh vực văn hóa những năm qua đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của các DTTS. Dưới tác động của các chính sách, các giá trị văn hoá gắn với đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc được phục dựng, tổ chức thường xuyên trong cộng đồng; nhiều phong tục, tập quán gắn với lối sống truyền thống của các DTTS được gạn đục, khơi trong, phù hợp với sự phát triển của đất nước.
Đặc biệt, với quyết tâm gìn giữ sự đa dạng trong nền văn hóa đậm đà bản sắc Việt Nam, chính sách bảo tồn, phát triển văn hóa ưu tiên hướng tới khôi phục, phát huy những bản sắc đặc trưng của các dân tộc rất ít người. Kết quả của những nỗ lực đó đã được hội tụ, lan tỏa trong Ngày hội Văn hóa các dân tộc số dân dưới 10 nghìn người lần thứ I năm 2023 được tổ chức đầu tháng 11 vừa qua tại tỉnh Lai Châu.
Lần đầu tiên, những nghi thức, lễ hội truyền thống của các dân tộc có số dân dưới 10 nghìn người cùng được tái hiện trong không gian văn hóa cộng đồng. Đó là Lễ hội “Mở kho lúa” của dân tộc Brâu, là “Tết Ngô” của đồng bào Cống, là Lễ “Mừng tiếng sấm đầu năm” của dân tộc Ơ Đu,… Tất cả đã tạo nên bức tranh văn hóa rực rỡ đa sắc màu - là “quả ngọt” cho những nỗ lực, tâm huyết phục dựng, bảo tồn văn hóa truyền thống các DTTS được thực hiện liên tục trong những năm qua.
Bảo tồn trong phát triển
Từ năm 1991, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển 2011) đã xác định xây dựng và phát triển văn hóa, con người là sức mạnh nội sinh của phát triển bền vững. Công tác bảo tồn văn hóa được đặt trong sự vận động, phù hợp với sự phát triển KT – XH của đất nước.
Theo bà Nguyễn Thị Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), những năm qua, Bộ VHTT&DL đã tích cực triển khai thực hiện Chương trình MTQG về văn hóa giai đoạn 2012 – 2015 theo Quyết định số 1211/QĐ-TTg, Chương trình mục tiêu phát triển văn hoá giai đoạn 2016 – 2020 theo Quyết định số 936/QĐ-TTg. Việc thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án đã góp phần quan trọng nâng cao đời sống văn hoá tinh thần, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá các dân tộc, đặc biệt là các vùng khó khăn, vùng đồng bào DTTS.
Đến nay đã có gần 90 lễ hội truyền thống tiêu biểu của các DTTS được Bộ VHTT&DL hỗ trợ các địa phương tổ chức phục dựng, bảo tồn và phát triển đúng mục đích, phù hợp với từng dân tộc. Có trên 32 làng, bản, buôn truyền thống của 25 dân tộc thuộc các tỉnh đại diện cho vùng, miền trên cả nước được hỗ trợ đầu tư bảo tồn gắn phát triển du lịch khai thác tiềm năng từ văn hoá truyền thống tiêu biểu của dân tộc, từ đó nhân rộng, phát triển để xây dựng các làng văn hoá - du lịch, điểm văn hoá du lịch, tạo đà chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh tốc độ xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào ở địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Giai đoạn 2021 – 2025, chính sách bảo tồn văn hóa các DTTS gắn với phát triển du lịch được tích hợp vào Chương trình MTQG phát triển KT – XH vùng đồng bào DTS và miền núi (Dự án 6) theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg. Việc triển khai chính sách bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các DTTS gắn với phát triển du lịch là hướng đi hiệu quả, góp phần vừa phục hồi, bảo tồn, phát huy nhiều giá trị văn hóa đặc trưng, tiêu biểu của các vùng, miền trên cả nước, vừa tạo thêm việc làm, tăng thu nhập; qua đó, thúc đẩy quá trình xóa đói, giảm nghèo tại vùng đồng bào dân tộc DTTS và miền núi.
Theo Gs.Ts. Lê Hữu Nghĩa, Chủ tịch Hội Triết học - nguyên Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, mang đậm bản sắc dân tộc đòi hỏi vừa phải kế thừa, phát triển bản sắc văn hóa của các dân tộc trong 54 dân tộc Việt Nam, vừa phải tiếp thu những giá trị của tinh hoa văn hóa nhân loại. Sự kết hợp hài hòa những giá trị tiên tiến với những giá trị mang đậm bản sắc dân tộc thể hiện tính ưu việt của CNXH mà Nhân dân ta đang xây dựng trên lĩnh vực văn hóa, làm cho văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển.
Thực tế, việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại là một trong những bài học lớn, xuyên suốt trong quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước ta. Trong lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc, việc tăng cường qua hệ hữu nghị, hợp tác trên cơ sở đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển đã được thực thi hiệu quả, góp phần nâng cao vị thế đất nước, thu hút được nguồn lực đầu tư của cộng đồng quốc tế cho vùng đồng bào DTTS và miền núi của Việt Nam.
Bộ VHTT&DL đang xây dựng Dự thảo Chương trình MTQG về chấn hưng và phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2026- 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Việc xây dựng và triển khai Chương trình nhằm thiết thực đưa các Nghị quyết, định hướng phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam của Đảng vào cuộc sống, làm cho văn hóa không chỉ thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội mà còn là nguồn lực nội sinh quan trọng, đóng góp vào quá trình phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.