Bảo tồn sử thi không dễ...
Nói đến bảo tồn sử thi, nhà nghiên cứu văn hóa Linh Nga Niê Kđăm khẳng định: Không có cách gì để bảo tồn được sử thi, bởi vì đó là hình thức hát kể, kể câu chuyện không chỉ bằng văn vần mà còn bằng lối hát, hát để kể. Hiện nay, trong cộng đồng, người có khả năng hát, kể sử thi gần như không còn, vì các nghệ nhân biết hát kể sử thi đã đi về với ông bà. Những gì còn lại bây giờ là sưu tầm, in sách, làm thành phim, truyền dạy cho thế hệ trẻ. Chỉ còn cách duy nhất là gìn giữ bằng việc số hóa toàn bộ số băng ghi âm đã từng sưu tầm được, đưa lên mạng, đưa lên đài và làm truyện tranh song ngữ (tiếng Việt và tiếng dân tộc), thì thế hệ trẻ các dân tộc Tây Nguyên vẫn có thể từng bước đọc và hiểu được.
Theo ông Y Mang, Phó trưởng phòng Văn hóa huyện Cư M’gar, hiện trên địa bàn Cư M’gar chỉ còn 5 - 6 người biết kể sử thi. Ngành văn hóa cũng có tổ chức những lớp truyền dạy hát kể sử thi, địa phương cũng tổ chức diễn xướng sử thi trong những ngày lễ hội văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn. Nhưng để bảo tồn được sử thi thật sự rất khó, bởi cũng một cốt truyện nhưng mỗi nghệ nhân hát kể sử thi, lại có cách hát kể theo vần điệu khác nhau.
Thực tế hiện nay, nghệ nhân hát kể sử thi còn rất ít và hầu hết tuổi đã cao, trí nhớ không còn minh mẫn nên việc hát kể cũng như truyền dạy đều rất khó.
Nghệ nhân Ksor Oi (101 tuổi) ở buôn Nông Siu, xã Ia Rmok, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai, là một trong những người hiếm của vùng đất này còn hát được những bài khan cổ của người Gia Rai. Ông nói, thời trai trẻ ông được tham gia nhiều lễ hội của buôn làng, thức trắng đêm để nghe các già kể sử thi. Vì thế mà đến nay ông còn nhớ nhiều bài sử thi của dân tộc mình.
Bao năm qua, ông Oi vẫn thường xuyên hát kể sử thi cho con cháu trong gia đình nghe. Nhờ đó mà, lớp con cháu trong nhà đã có cảm nhận và có tình yêu văn hóa truyền thống dân tộc. Điển hình như anh Nay Siu, là cháu của nghệ nhân Ksor Oi. anh Nay Siu bảo: Ngày nhỏ mình thường được nghe ông hát kể sử thi. Bây giờ ông đã lớn tuổi không thể hát kể được nhiều như trước, nhưng những ngày con cháu quây quần muốn nghe, ông vẫn hát được vài đoạn. Nghe ông hát kể sử thi mình rất thích, nhưng để thuộc và hát được mình cần có thêm thời gian.
Nỗ lực sưu tầm để giữ gìn
Anh Nay Chương, xã Ia Rmok, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai, cũng là một người dành nhiều thời gian, tâm huyết với văn hóa dân tộc. Anh Nay Chương chia sẻ: Mình lớn lên trong những bài hát ru của mẹ. Khi biết chạy, biết nhảy thì lại theo chân cha tham gia vào các lễ hội của làng. Ngoài cồng chiêng, múa xoang, uống rượu cần thì người làng sẽ cùng nhau quây quần bên bếp lửa để nghe kể khan. Những bài khan cổ của người Gia Rai nơi anh sinh ra và lớn lên, đều hướng con người đến điều thiện, điều tốt, răn dạy con người phải sống tốt, hướng đến cuộc sống tươi đẹp hơn.
Chính vì vậy, từ thời sinh viên, anh Nay Chương đã tìm đến những người biết hát, kể khan để thu âm lại. Đặc biệt 3 năm gần đây, anh Nay Chương bắt đầu ghi chép các bài khan cổ. Để có những bản ghi chép chuẩn xác, anh đã dựa trên từ điển tiếng Gia Rai để dịch thuật. Đến nay, anh đã ghi chép lại được khoảng 8, 9 bài khan của người Gia Rai trong vùng.
“Mình nhìn thấy được thực tế chỉ vài năm nữa thôi khan cổ của người Gia Rai vùng này sẽ đi vào dĩ vãng, khi những người biết hát khan cổ không còn nữa. Mình ghi chép lại để kể cho con cái, người thân trong gia đình và dành cho những người muốn tìm hiểu về văn hóa người Gia Rai vùng này”, anh Nay Chương chia sẻ.
Cũng như Nay Chương, nhiều năm qua, nghệ nhân Thị Mai (SN 1975), bon Bu Prăng, xã Đắk N’drung, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông đã dành tất cả thời gian, tâm huyết để nghe và chép lại các bản sử thi bằng tiếng M’nông và tiếng Việt. Nhờ vậy, chị đã dịch và thuộc hàng trăm câu văn vần, những bài sử thi của dân tộc. HIện nay, nghệ nhân Thị Mai đang được ví như cây sử thi sống trên cao nguyên của người M’nông ở vùng đất Đắk Nông.
Theo thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ, Trưởng phòng quản lý Văn hóa, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai cho biết: Mặc dù, các cấp ngành các tỉnh Tây Nguyên cũng đã có rất nhiều giải pháp để bảo tồn sử thi trong đời sống hiện đại. Tuy nhiên, công cuộc bảo tồn sử thi vẫn là một bài toán khó. Do vậy, hát kể sử thi đang dần biến mất trong cộng đồng.
Để bảo tồn sử thi chỉ có thể ghi âm, ghi chép lại thành sách, làm thành truyện tranh, làm thành phim.Tuy nhiên, việc in thành sách, truyện tranh, thì cũng yêu cầu người nghiên cứu phải đầu tư rất nhiều thời gian và kinh phí. Nhưng khi in thành sách thì rất ít người ủng hộ, khiến những người nghiên cứu không còn đủ lực để tiếp tục với công cuộc bảo tồn văn hóa.
"Vì vậy, cùng với việc phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú để cho các nghệ nhân được hỗ trợ về mặt tinh thần, cần có cơ chế hỗ trợ về kinh phí đặc biệt hơn, để khuyến khích các nghệ nhân, hay những người có niềm đam mê với văn hóa dân tộc và cả lớp trẻ... có thêm động lực tiếp tục giữ gìn và phát huy văn hóa sử thi của dân tộc mình", ông Tuệ đề xuất mong muốn.