Múa XòeTây Bắc
Mùa Xuân đến với vùng cao Tây Bắc, du khách được hòa mình vào điệu múa xòe của đồng bào Thái. Xòe có ba loại chính: Xòe nghi lễ, xòe vòng, xòe biểu diễn. Các điệu xòe nghi lễ và xòe biểu diễn thường kết hợp với các đạo cụ và được gọi theo tên đạo cụ như xòe khăn, xòe nón, xòe quạt, xòe sạp, xòe nhạc, xòe gậy, xòe hoa… Trong đó, xòe vòng phổ biến nhất là màn đồng diễn mà người xòe nối thành vòng tròn trong sự hòa đồng với tất cả mọi người. Xòe Thái đã được trao truyền và bảo tồn khá nguyên vẹn qua hàng trăm năm với nhiều hình thái khác nhau.
Múa xòe thể hiện tinh thần cộng đồng, sự đoàn kết và niềm vui của người dân. Những vòng xòe nối dài, những đôi tay nắm chặt nhau, cùng nhau nhảy múa theo nhịp điệu của tiếng khèn, tiếng trống, tạo nên một không khí đầy hứng khởi và ấm áp.
Điệu múa xòe thường diễn ra vào đêm giao thừa và những ngày đầu năm mới. Mọi người cùng nhau tụ họp, tay nắm tay nhảy múa quanh đống lửa trại. Điệu xòe không chỉ là một hoạt động giải trí mà còn là dịp để người dân thể hiện lòng biết ơn đối với tổ tiên, đất trời và cầu mong một năm mới an lành, mưa thuận gió hòa.
Múa xòe còn là biểu tượng của tình yêu và sự gắn bó. Trong những điệu xòe tình tứ, nam nữ có cơ hội bày tỏ tình cảm, kết duyên và xây dựng hạnh phúc gia đình. Điệu xòe cũng là lời chúc tốt đẹp cho một năm mới, mang theo hy vọng và ước mơ về cuộc sống hạnh phúc, đủ đầy.
Với những giá trị văn hóa nghệ thuật tuyệt vời, Xòe Thái đã được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2021.
Múa cồng chiêng không chỉ là hoạt động giải trí mà còn là cách để truyền tải những giá trị tâm linh và tinh thần của cộng đồng. Qua đó, góp phần tạo nên sự gắn kết và tình yêu giữa các thế hệ, là “cầu nối” giữa quá khứ và hiện tại.
Múa cồng chiêng Tây Nguyên
Mỗi dịp Tết đến Xuân về, Tây Nguyên lại bừng sáng sắc màu văn hóa của các dân tộc Gia Rai, Ê Đê, Ba Na, Gié Triêng, Mnông, Xơ Đăng… Trong không khí rộn ràng của mùa Xuân, những điệu múa truyền thống trở thành linh hồn của lễ hội, gắn kết cộng đồng và gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Lấy cảm hứng từ múa cồng chiêng của đồng bào Tây Nguyên, tác phẩm múa “Lời chiêng của cha” của biên đạo Lê Hải mang đến những thông điệp ý nghĩa về tình cảm gia đình, tình cha - con thông qua nhịp chiêng âm vang. Hay tác phẩm “Tiếng trống Tây Nguyên” (biên đạo Y Brơm) đã mang lên sân khấu chuyên nghiệp một hành trình khám phá văn hóa và tinh thần của người dân nơi đây thông qua nhịp cồng chiêng sôi động. Mỗi động tác đều truyền tải những câu chuyện, những huyền thoại và phong tục tập quán của đồng bào DTTS vùng Tây Nguyên mộc mạc, chân chất nhưng hết sức hào sảng.
Múa rom vong của người Khmer
Điệu múa truyền thống múa rom vong là một sinh hoạt văn hóa tinh thần quan trọng của người Khmer. Điệu múa này thường được biểu diễn trong các dịp lễ hội và đặc biệt là vào dịp Tết cổ truyền. Múa rom vong thể hiện sự gắn kết cộng đồng, tình yêu quê hương, đất nước và lòng biết ơn đối với tổ tiên. Nó cũng mang ý nghĩa cầu phúc, cầu tài lộc, cầu cho mùa vụ bội thu và cuộc sống bình an, hạnh phúc. Trải qua quá trình dài trao truyền, sáng tạo và chắt lọc, múa rom vong trở thành môn nghệ thuật dân gian phản ánh đậm nét đời sống, tín ngưỡng của đồng bào Khmer.
Không chỉ đơn thuần là một màn trình diễn nghệ thuật, múa rom vong còn thể hiện cách thức giao tiếp giữa con người và thần linh, thể hiện lòng thành kính và sự tôn trọng đối với các bậc tổ tiên. Trong mỗi điệu múa, người diễn viên không chỉ thể hiện kỹ thuật và động tác mà còn gửi gắm tâm tư và nguyện vọng của mình, cầu mong cho mùa màng bội thu, gia đình bình an, hạnh phúc.