Cải thiện thể trạng từ đẩy lùi tảo hôn
Quảng Trị là địa phương có đông đồng bào DTTS, trong đó đồng bào cư trú chủ yếu ở 2 huyện biên giới Hướng Hóa và ĐaKrông. Do điều kiện tự nhiên có nhiều đồi núi dốc, khí hậu lại khắc nghiệt nên đời sống đồng bào còn có những khó khăn nhất định. Trong đó, chất lượng dinh dưỡng bữa ăn chưa cao, dẫn đến thể trạng, sức khỏe không đảm bảo, ảnh hưởng đến chất lượng lao động và thu nhập của người dân.
Bên cạnh đó, đồng bào ở một số thôn, bản vùng sâu vùng xa còn tồn tại một số hủ tục, như tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống nên chất lượng giống nòi có phần suy giảm. Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ tính riêng năm 2022, toàn tỉnh Quảng Trị có 206 trường hợp tảo hôn, trong đó tảo hôn cả cặp nam-nữ là 36 trường hợp.
Thực hiện Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 9, Chương trình MTQG 1719, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị chủ trì phối hợp các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương liên quan tham mưu UBND ban hành kế hoạch, triển khai các nội dung để kiên quyết nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Xác định công tác tuyên truyền phải đi trước một bước, Ban dân tộc cùng các sở, ban ngành đã lên kế hoạch triển khai cụ thể. Với mục tiêu trong tâm là nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của đồng bào DTTS về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Từ đầu năm 2023 đến nay, các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương đã đến 31 xã vùng đồng bào DTTS để tuyên truyền vận động bằng nhiều hình thức.
Theo đó, tổ chức nhiều hội thi tìm hiểu Luật hôn nhân và gia đình tại cộng đồng; tọa đàm, giao lưu văn hoá giữa học sinh, phụ huynh, giáo viên, tại các trường học vùng đồng bào DTTS. Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng còn tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tư vấn cho lứa tuổi vị thành niên trước khi kết hôn, chăm sóc sức khỏe sinh sản…….
Cô Hồ Thị Tư, Hiệu trưởng Trường PTDT nội trú Hướng Hóa (huyện Hướng Hóa) cho biết: “Được sự quan tâm, phối hợp của Ban Dân tộc tỉnh và các đơn vị liên quan, 2 năm qua, nhà trường tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở vùng đồng bào DTTS. Thông qua các hình thức như: Tích hợp trong dạy học ở một số môn học, tọa đàm, giao lưu văn hóa, sân khấu hóa lồng ghép tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Nhờ đó, nhận thức của các em học sinh và phụ huynh về hôn nhân, gia đình có nhiều thay đổi.
Qua gần 2 năm thực hiện, Tiểu dự án 2 bước đầu đạt được kết quả khích lệ. Nhiều xã đã giảm mạnh số trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. 100% cán bộ làm công tác dân tộc, trên 80% cán bộ văn hoá - xã hội, đoàn thể cấp xã/thôn, bản được tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng, vận động, tư vấn, truyền thông về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em DTTS
Thực hiện Dự án 7, trong Chương trình MTQG 1719 về Chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, Quảng Trị cũng đang thực hiện quyết liệt. Điểm nhấn là khâu chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em DTTS, hướng tới mục tiêu nâng cao sức khỏe, thể trạng trẻ em vùng đồng bào DTTS.
Cụ thể, ngày 26/9, Sở Y tế tỉnh Quảng Trị đã phát động tuần lễ Làm mẹ an toàn năm 2023, với mục tiêu nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em DTTS trên địa bàn tỉnh. Theo đó, ngành y tế Quảng Trị đã tuyên truyền tới chính quyền các cấp về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, làm mẹ an toàn. Với nhiều hình thức như tuyên truyền, tập huấn…. phát tờ rơi về các trạm y tế xã, kiến thức chăm sóc bà mẹ và trẻ em được gửi đến đồng bào DTTS để thay đổi nhận thức.
Bên cạnh đó, Sở còn vận động phụ nữ có thai, đang nuôi con nhỏ, cán bộ y tế, người thân, đàn ông trong gia đình tham gia tuần lễ Làm mẹ an toàn để góp phần nâng cao sức khỏe phụ nữ, trẻ em DTTS. Cùng với đó, Sở tiến hành tập trung 3 gói dịch vụ chăm sóc trước sinh, trong sinh, sau sinh; đồng thời quảng bá lợi ích của chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em trong đến đồng bào các DTTS. Hướng dẫn cách chế biến thức ăn tại các thôn, bản có số trẻ em suy dinh dưỡng cao bằng hình thức trình diễn tại chỗ. Thông qua những mô hình trực quan sinh động, đồng bào đã có nhận thức đầy đủ về ý nghĩa của việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em.
Bác sĩ Y Liên, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Ba Tầng, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) cho biết, Ba Tầng là xã miền núi, dân số chủ yếu người đồng bào DTTS. Khi Dự án 7, đồng bào được tuyên truyền đầy đủ về kỹ năng chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em đầy đủ. Nhân dân có điều kiện tiếp cận việc chăm sóc sức khỏe được tốt hơn. Nhờ đó, sức khỏe và thể trạng của trẻ em đồng bào bắt đầu có chuyển biến tích cực.
Cùng với đối tượng là bà mẹ, trẻ em, Công tác chăm lo sức khỏe cho đối tượng người cao tuổi người DTTS cũng được chú trọng. Tại huyện Hướng Hoá, từ cuối năm 2022 đến nay, Trung tâm Y tế đã khám sàng lọc cho người cao tuổi tại 14 xã vùng Dự án 7.
Kết quả, có 2.446 người cao tuổi tham gia chiến dịch khám sức khỏe. Sau khi khám sức khỏe, có 70% đối tượng tham gia truyền thông và khám sức khỏe định kỳ sàng lọc một số bệnh thường gặp.
Còn tại huyện Đakrông, tính đến tháng 09/2023 Trung tâm y tế huyện đã khám sàng lọc cho 3.251 bệnh nhân người DTTS; khám dự phòng cho 1866 người DTTS thuộc vùng thụ hưởng Dự án 7. Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế huyện Đakrông cũng đã chú trọng nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào DTTS tiếp cận với các dịch vụ y tế có chất lượng cao.
Tăng cường kiểm tra, giám sát chế độ trực và khám chữa bệnh tại các khoa, phòng, cơ sở 2 và trạm y tế xã; nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh gắn với đổi mới y tế cơ sở để đảm bảo chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho người dân nói chung và đồng bào các DTTS nói riêng.
Trao đổi với phóng viên, Lãnh đạo sở Y Tế Quảng Trị cho biết: Để thực hiện Dự án 7 trong Chương trình MTQG 1719, Sở được bố trí kinh phí thực hiện hơn 14,2 tỷ đồng. Riêng năm 2023, Sở được phân bổ, giao kế hoạch vốn là hơn 3, 8 tỷ đồng. Với nguồn kinh phí đó, Sở Y tế sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo, triển khai việc thực hiện công tác chuyên môn. Đồng thời, chỉ đạo việc giải ngân theo nguồn kinh phí cấp trên giao theo quy định để triển khai chương trình, dự án một cách hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào DTTS, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội như tinh thần chung của Chương trình MTQG 1719.