Sống tốt đời - đẹp đạo
Hướng Hoá là huyện miền núi, biên giới nằm về phía Tây của tỉnh Quảng Trị, giáp với nước bạn Lào, có đường xuyên Á - Quốc lộ 9 đi qua với Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo. Toàn huyện hiện có hơn 94 nghìn dân, gồm 3 dân tộc Kinh; Bru-Vân Kiều; Pa Kô sinh sống hòa thuận. Người dân huyện Hướng Hóa theo 3 tôn giáo chính thống là Phật giáo, Công giáo và Tin lành.
Những năm qua, hòa cùng nhịp sống, sự phát triển của các dân tộc trên địa bàn cả nước, từ việc triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc, tôn giáo, đời sống của đồng bào không ngừng được cải thiện; đồng bào các dân tộc đoàn kết một lòng xây dựng quê hương ngày càng phát triển giàu đẹp.
Đến Hướng Lộc vào những ngày đầu tháng 11 mới đây. Mặc dù là xã vùng sâu, vùng xa nhưng bộ mặt nông thôn ở Hướng Lộc đã có nhiều khởi sắc. Toàn xã có 6 thôn, với 646 hộ/3.262 khẩu, trong đó 95% dân số là người Bru- Vân Kiều. Với phương châm sống “tốt đời đẹp đạo”, người dân nơi đây rất tích cực hưởng ứng các cuộc vận động, các phong trào thi đua phát động ở địa phương.
Điển hình như cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới”, sau khi được tuyên truyền, vận động, các tầng lớp Nhân dân, chức sắc tôn giáo đã nhận thức sâu sắc ý nghĩa của xây dựng NTM nên đều nhiệt tình hưởng ứng tham gia. Điển hình như gia đình bà Hồ A Vớ (thôn Trằm Cheng), ông Hồ Văn Tăng (thôn Ta Xía), ông Hồ Văn Hậu (thôn Ra Ty)… đã hiến hàng trăm m2 đất để xây dựng trường học, đường giao thông nông thôn, góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM. Theo đó, đến tháng 10 năm 2023, xã Hướng Lộc đã đạt 6/19 tiêu chí xây dựng NTM.
Đối với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, để nâng cao hiệu quả, đưa cuộc vận động đi vào thực chất, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hướng Lộc đã xây dựng chương trình, kế hoạch phân công nhiệm vụ cho từng thành viên thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, vận động người dân. Kết quả, đến nay đã có 06/06 thôn, bản xây dựng quy ước, hương ước, một số hủ tục lạc hậu, mê tín, dị đoan dần được xóa bỏ. Toàn xã hiện có 6/6 khu dân cư văn hóa, 646/646 hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa đạt tỷ lệ 100%.
Tiêu biểu trong việc thực hiện các phong trào thi đua ở địa phương, phải nhắc tới, ông Hồ Pả Dung, Nhóm trưởng Tôn giáo ở xóm Ta Xía, xã Hướng Lộc. Bằng uy tín, vai trò của mình, ông đã có rất nhiều đóng góp trong việc cùng chính quyền địa phương vận động Nhân dân lương-giáo chung tay xây dựng NTM trên địa bàn.
Để vận động động đồng bào có đạo thêm tin tưởng và chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, gia đình ông Hồ Pả Dung luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào của địa phương; đồng thời ông còn thường xuyên đến các gia đình giáo dân để tuyên truyền, vận động bà con sống “tốt đời, đẹp đạo”. Nhờ sự tích cực, gương mẫu đi đầu của ông, người dân vùng cao nơi đây đã đoàn kết, chăm lo phát triển kinh tế, đóng góp tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo, từng bước xóa bỏ hủ tục, xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn minh; chung tay xây dựng nông thôn mới.
Tương tự, tại thị trấn Khe Sanh, Mục sư Châu Văn An, Quản nhiệm Chi hội Thánh Tin lành Khe Sanh cho biết: Thời gian qua, Chi hội đã chung tay với chính quyền giúp đỡ đồng bào DTTS xây nhà tình thương cho các gia đình khó khăn; trao học bổng cho con em hộ nghèo, tặng xe lăn, xe lắc cho trẻ em khuyết tật. Đặc biệt, là hỗ trợ vốn cho những gia đình khó khăn để đầu tư vật nuôi, cây trồng phát triển sản xuất.
Đoàn kết cùng phát triển
Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện Hướng Hóa, đang có ngày một nhiều hơn những gia đình DTTS đã nắm bắt được các tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng vào chăn nuôi, trồng trọt, qua đó, năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi không ngừng được tăng lên. Trong đó có rất nhiều mô hình kinh tế có giá trị được nhân rộng ở các khu dân cư đồng bào các DTTS, vùng đồng bào có đạo...Nhờ đó mà số hộ nghèo liên tục giảm trong những năm gần đây.
Như mô hình trồng lúa nước và nuôi cá nước ngọt của già làng Ăm Moam ở thôn A Quan, xã A Xing đang cho thu nhập cả 100 triệu đồng/năm. Xác định vai trò của người đảng viên, ngay từ những việc nhỏ đến những việc lớn của thôn bản, ông đều là người làm trước, gương mẫu để người dân học tập, làm theo. Tuy tuổi đã cao, sức khỏe không còn dẻo dai, nhưng ông Ăm Moam vẫn hăng say lao động sản xuất để thoát nghèo, làm giàu. Đáng quý là, thấy mô hình mang lại hiệu quả kinh tế, ông đã vận động và nhiệt tình hướng dẫn lại kinh nghiệm cho người dân.
Đặc biệt, A Quan là địa bàn thường xuyên thiếu nước sạch sinh hoạt. Nhìn thấy người dân trong thôn phải đi vài cây số để cõng từng bon nước về dùng, ông Ăm Moam đã bỏ 30 triệu đồng từ bán vật nuôi, hoa màu và tiết kiệm để xây dựng hệ thống nước sạch khép kín phục vụ nhu cầu sinh hoạt của bà con mà không thu của người dân một đồng nào. Nhờ có công trình nước của ông Ăm Moan đầu tư này, người dân trong thôn đã có nước sạch quanh năm, không còn phải lo lắng mỗi khi mưa gió, nắng hạn.
"Nhà nước đã lo cho mình những cái lớn, bà con trong thôn thì cũng là anh em một nhà, mình bỏ một chút kinh phí chung tay cùng Nhà nước giúp bà con có nước sinh hoạt, cũng không thiệt thòi gì", ông Ăm Moam bảo.
Có thể thấy, những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, tôn giáo, là tiền đề quan trọng để đồng bào các dân tộc, tín đồ các tôn giáo tin tưởng, phát huy tinh thần lạc quan trong xây dựng cuộc sống nơi thôn, xóm. Đặc biệt, các dân tộc anh em, không phân biệt lương-giáo, đoàn kết, gắn bó chặt chẽ, vươn lên phát triển lao động sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống; đoàn kết một lòng xây dựng quê hương Hướng Hóa ngày càng phát triển