Theo thống kê hiện nay, trong cả nước có khoảng 1,3 triệu người dân tộc Khmer đang sinh sống ổn định thành cộng đồng tại 16 tỉnh, thành phố, trong đó, tập trung nhiều nhất tại các tỉnh: Sóc Trăng (361.635), Trà Vinh (318.231), Kiên Giang (230.500) An Giang (77.610), Bạc Liêu (68.000). Trên địa bàn hiện có 14 tôn giáo đã được Nhà nước công nhận: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội, Hồi giáo, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Bửu Sơn Kỳ Hương, Phật đường Nam tông Minh sư đạo, Minh lý đạo - Tam Tông Miếu… với tổng số trên 14 triệu tín đồ; gần 33.000 chức sắc; 67.000 chức việc và 9.114 cơ sở thờ tự.
Đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ có nền văn hóa hết sức đa dạng và phong phú được lưu giữ qua nhiều thế hệ và lễ hội là một trong những nét văn hóa đặc sắc, tạo nên văn hóa đặc trưng của người Khmer Nam bộ. Trong đó có nhiều lễ hội liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng, như: Sene Dolta (Lễ Cúng ông bà, là một trong ba lễ hội lớn nhất của đồng bào Khmer, được diễn ra trong ba ngày chính từ 29 tháng 8 đến mùng 01 tháng 9 âm lịch với nhiều nghi lễ tại các chùa); Chôl Chnăm Thmây (là Tết cổ truyền của người Khmer Nam bộ; diễn ra vào giữa tháng 4 dương lịch; trong tiếng Khmer, “Chôl Chnăm Thmây” có nghĩa là “Mừng năm mới”); Lễ Ok Om bok (thường diễn ra vào đêm rằm tháng 10 âm lịch nhằm tưởng nhớ và tạ ơn Mặt trăng vốn được người Khmer Nam bộ coi như một vị thần vận hành mùa màng)… Các lễ hội này thường được tổ chức với quy mô lớn, thu hút nhiều người tham gia.
Đồng bào Khmer đa số theo đạo Phật, thuộc hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer. Phật giáo Nam tông Khmer đã có mặt ở Đồng bằng Sông Cửu Long từ khoảng thế kỷ thứ IV; đến đầu thế kỷ thứ XX, đại bộ phận các Phum, Sóc của người Khmer đều đã có chùa thờ Phật. Phật giáo Nam tông Khmer hiện có khoảng trên 7.000 chư tăng; 461 ngôi chùa, 45 salatel (Niệm Phật đường) và 01 Học viện Phật giáo Nam tông Khmer, trong đó có 14 chùa được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, 29 chùa được công nhận di tích cấp tỉnh, 150 chùa có công với cách mạng trong các thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ và xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền các cấp đã triển khai nhiều chủ trương, biện pháp nhằm đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn cả nước nói chung và trong vùng đồng bào dân tộc Khmer ngày càng tốt hơn và đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Công tác vận động, tuyên truyền đồng bào dân tộc Khmer thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo được đẩy mạnh. Sau khi Luật tín ngưỡng, tôn giáo được ban hành và có hiệu lực, Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Nội vụ) tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan trong thực hiện công tác vận động, tuyên truyền đồng bào dân tộc Khmer thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo bằng nhiều hình thức. Nhiều ngôi chùa Khmer được trang bị tủ sách pháp luật phục vụ sư sãi và tín đồ Phật tử Khmer. Tại một số địa phương như Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Hậu Giang, cấp ủy, chính quyền đã quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ và phối hợp với Hội đoàn kết sư sãi yêu nước trong việc giải quyết các nhu cầu sinh hoạt tôn giáo hợp pháp, chính đáng của đồng bào dân tộc Khmer, đem lại niềm phấn khởi, tin tưởng cho các tín đồ.
Song song với đó, việc xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ sửa chữa, trùng tu chùa chiền cho đồng bào dân tộc Khmer; xây dựng Học viện Phật giáo Nam tông Khmer được quan tâm. Ban Tôn giáo Chính phủ và cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo chủ động triển khai thực hiện công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở vùng đồng bào dân tộc Khmer theo chức năng, nhiệm vụ và quy định của pháp luật; đảm bảo các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào Khmer diễn ra trong khuôn khổ pháp luật và góp phần đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào dân tộc Khmer. Mỗi năm, Trung ương và địa phương đều có sự hỗ trợ kinh phí để trùng tu, sửa chữa các chùa Phật giáo Nam tông Khmer, nhất là các chùa có thành tích trong đấu tranh giải phóng dân tộc, được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa, chùa trong vùng đồng bào khó khăn. Hiện nay, đa số chùa Phật giáo Nam tông Khmer đều được tu bổ khang trang, giữ gìn được những đường nét kiến trúc tiêu biểu, là nơi bảo lưu các di sản văn hóa đặc trưng của người Khmer, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của đồng bào.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ chức sắc, đào tạo nguồn nhân lực kế thừa của Phật giáo Nam tông Khmer đã được Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp và Giáo hội Phật giáo Việt Nam quan tâm, tạo điều kiện. Hiện có trên 100 chư tăng Phật giáo Nam tông Khmer đang du học chương trình Thạc sĩ, tiến sĩ chuyên nghành Phật học tại các nước như Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Srilanka, Ấn Độ... Nhiều sư sãi Phật giáo Nam tông Khmer đang theo học các Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, ngành dân tộc, tôn giáo tại các trường Chính trị của tỉnh, Cao đẳng Anh văn, Cao đẳng Văn hóa Khmer Nam bộ, Đại học Ngữ văn Khmer Nam bộ, Đại học Luật, Đại học Công nghệ Thông tin, báo chí tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Trà Vinh... Các địa phương như Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cần Thơ, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Vĩnh Long cũng đã quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ hoạt động của các lớp sơ cấp Pàli, Vìni, các lớp Kinh Luận Giới tại các chùa. Các lớp này đang hoạt động hiệu quả, góp phần quan trọng cho công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ chức sắc Phật giáo Nam tông Khmer.
Học viện Phật giáo Nam tông Khmer được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương thành lập theo văn bản số 4286/VPCP-NC ngày 08/8/2006 và được thành lập theo Quyết định số 171/QĐ-TGCP ngày 14/9/2006 của Ban Tôn giáo Chính phủ. Học viện có chức năng đào tạo tăng sinh Khmer ở cấp học cử nhân và đào tạo kiến thức Phật học cho sư sãi Phật giáo Nam tông Khmer, tập trung chủ yếu ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, cơ sở đặt tạm tại chùa Pothisomrom, phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, Thành phố Cần Thơ. Kể từ khi thành lập đến nay, Học viện đã đào tạo được 7 khóa, chuyên ngành cử nhân Phật học với hơn 200 tăng sinh tốt nghiệp, góp phần nâng cao trình độ tăng sinh, sư sãi ở các chùa Khmer khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Không chỉ vậy, cấp ủy, chính quyền các cấp luôn quan tâm đến công tác xây dựng và phát huy vai trò lực lượng cốt cán, Người có uy tín, sư sãi tiêu biểu trong đồng bào dân tộc Khmer; nhiều vị sư sãi, đồng bào Phật tử Phật giáo Nam tông Khmer tham gia đại biểu Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. Lực lượng cốt cán, Người có uy tín, sư sãi tiêu biểu trong đồng bào dân tộc Khmer đã tích cực tham gia cùng với các cấp chính quyền trong tuyên truyền, vận động sư sãi và đồng bào dân tộc Khmer chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới và các phong trào do chính quyền địa phương phát động, góp phần phát huy các giá trị đạo đức, văn hóa tốt đẹp và nguồn lực của Phật giáo Nam tông Khmer trong đời sống xã hội, góp phần đưa hoạt động của Phật giáo Nam tông Khmer ổn định, thuần túy tôn giáo và tuân thủ quy định của pháp luật. Để kịp thời động viên, khích lệ chức sắc, tín đồ Phật giáo Nam tông Khmer, Ban Tôn giáo Chính phủ và ngành Quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo đã tích cực tham mưu triển khai thực hiện chính sách đãi ngộ, khen thưởng đối với chức sắc Phật giáo Nam tông Khmer, nhất là những sư sãi có giáo phẩm cao, đạo hạnh tốt, có uy tín trong quần chúng tín đồ và có nhiều đóng góp đối với đất nước.
Bên cạnh đó, trong 05 năm qua, công tác rà soát, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở tôn giáo nói chung, chùa của Phật giáo Nam tông Khmer nói riêng cơ bản đã được các địa phương quan tâm, thực hiện theo quy định pháp luật và đạt được kết quả tích cực. Nhu cầu đất đai chính đáng của Phật giáo Nam tông Khmer được quan tâm xem xét, giải quyết, tạo sự yên tâm, tin tưởng của chức sắc, tín đồ Phật giáo Nam tông Khmer. Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chùa Phật giáo Nam tông Khmer đạt tỷ lệ cao. Các địa phương đã chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của sư sãi và đồng bào Khmer để kịp thời tham mưu, đề xuất với cấp ủy đảng, chính quyền nhiều giải pháp, giải quyết kịp thời không để phát sinh các điểm nóng phức tạp về an ninh trật tự, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền các cấp, nhiều chính sách hỗ trợ tạo thuận lợi cho đồng bào dân tộc Khmer phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc; chính sách tín ngưỡng, tôn giáo được triển khai thực hiện có hiệu quả, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và phát huy các giá trị tốt đẹp của các tôn giáo trong vùng đồng bào dân tộc Khmer được phát huy; tình hình an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở vùng đồng bào dân tộc Khmer cơ bản ổn định góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của khu vực cũng như trong toàn quốc.