Chúng tôi đến với chùa Sro Lôn (chùa Chén Kiểu), xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên gặp thầy Huỳnh Thanh Tèo khi thầy đang đứng trên bục giảng, giải thích từ ngữ, dịch nghĩa từ tiếng Pali sang tiếng Khmer để cho các vị tăng sinh hiểu.
Trò chuyện với chúng tôi, thầy Tèo chia sẻ: “Ngoài dạy tiếng Pali lớp 3 tại chùa Sro Lôn, tôi còn được sư trụ trì của các chùa tại thị xã Vĩnh Châu, huyện Mỹ Xuyên, Châu Thành... mời đi giảng dạy. Niềm vui và tự hào lớn nhất của tôi là thấy các học trò thi đỗ tốt nghiệp Pali Rong và được tuyển chọn vào học Trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ”.
Ít ai ngờ rằng, vùng đất thuần nông như xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên lại có phong trào học tập tốt đến thế. Cả xã có hơn 700 học sinh Khmer thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học trong những năm vừa qua, trong đó có gần 30 em đã và đang học thạc sĩ, tiến sĩ.
Cứ mỗi dịp Hè về, các chùa Khmer tại tỉnh Sóc Trăng lại nhộn nhịp hẳn lên. Bởi đây cũng là thời điểm các em nhỏ ở các phum, sóc tập trung về chùa để trau dồi, học tập thêm ngôn ngữ Khmer. Hơn 2 tháng nay, tại chùa Sê Rây Tà Mơn, ấp Đào Viên, xã Viên Bình, huyện Trần Đề, mỗi buổi sáng những tiếng đọc vần Khmer vang rộn cả một góc chùa. Thượng tọa Trần Văn Tha, Phó Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng, Trụ trì chùa Sê Rây Tà Mơn cho biết: Lớp học hiện tại mà sư Kim Chí Thanh đang giảng dạy có khoảng 30 em trong các phum, sóc, học tiếng Khmer ở trình độ thấp nhất. Các cháu đều tham gia lớp học được hơn 2 tháng.
Lớp học chỉ kéo dài trong thời gian ngắn dịp nghỉ Hè nên không ảnh hưởng đến việc học tập ở trường, giúp các em vừa biết chữ quốc ngữ, vừa biết chữ Khmer. Em Thạch Sà Phol học sinh Trường Trung học cơ sở Viên Bình chia sẻ: “Con rất thích học chữ Khmer ở đây, các anh chị nói trong lớp học chính quy ở trường đã có dạy tiếng Anh, học ở đây mình biết thêm song ngữ Việt - Khmer nữa thì sau này đi học, đi làm rất dễ tìm việc”.
Tỉnh Sóc Trăng hiện có 92 chùa Khmer. Việc các chùa tổ chức các lớp giảng dạy và bồi dưỡng chữ Khmer cho con em phật tử trong phum sóc góp phần rất lớn trong việc giữ gìn và phát huy chữ viết dân tộc. Đồng thời, giúp con em đồng bào có được môi trường học tập lành mạnh và trau dồi thêm vốn kiến thức.