Câu chuyện xã khó khăn có đông đồng bào Khmner về đích NTM từ cuối năm 2018 và đang trong quá trình phấn đấu xây dựng xã NTM nâng cao, làm cho chúng tôi có thêm động lực trở lại sau chuyến tháp tùng Đoàn công tác chúc Tết Cổ truyền của đồng bào Khmer vào tháng Tư vừa qua. Chia sẻ thông tin đầu tiên với chúng tôi là ông Trần Văn Đồng, Người có uy tín của xã Phong Đông, huyện Vĩnh thuận (Kiên Giang) “Ngoài việc được công nhận đạt NTM, xã còn được Thủ tướng Chính phủ Quyết định công nhận xã An toàn khu vào năm 2021, hiện tại được thụ hưởng chính sách xã khó khăn khu vực I. Phát huy truyền thống Anh hùng Cách mạng, cấp ủy, chính quyền địa phương, người dân cùng nhau quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng khởi sắc. Chúng tôi tiếp tục vận động đồng bào tập trung mọi nguồn lực góp phần hoàn thành các tiêu chí xã NTM nâng cao theo quy định; Đồng thời, tuyên truyền tạo sự đồng thuận cao trong việc triển khai thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn xã Phong Đông"
Qua lời giới thiệu của ông Đồng chúng tôi tìm đến gia đình ông Lý De, dân tộc Khmner ở ấp Vĩnh Thạnh xã Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận, trước đây thuộc diện hộ nghèo, bản thân ông De còn bị tật hai chân không đi đứng bình thường, nhưng với sự trợ lực từ nguồn vốn vay ưu đãi ông ùng vợ phát triển chăn nuôi nênnăm 2022 đã thoát nghèo.
Trong căn nhà mới khang trang vừa hoàn thành trước Tết Cổ truyền của đồng bào Khmer hồi tháng Tư vừa qua, ông Lý De cho biết, gia đình tôi trước đây thiếu đất sản xuất, bản thân không được may mắn như mọi người do bị tật hai chân bẩm sinh, mọi việc đều dồn hết lên đôi vai của vợ. Từ năm 2014, được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội để phát triển kinh tế gia đình, vợ chồng tôi quyết tâm không thể mang "danh hiệu" hộ nghèo mãi được.
“Có được đồng vốn đó, vợ chồng tôi nấu rượu, nuôi heo, nuôi gà thương phẩm. Gia đình tận dụng bã rượu để chăn nuôi nên vừa tiết kiệm chi phí thức ăn cho gà, cho heo, thịt lại ngon nên bán được giá. Lấy ngắn nuôi dài, khi trả nợ xong ngân hàng, chúng tôi phát triển thêm đàn gà và heo, trung bình mỗi lứa gà 100 con, lợn từ 10-20 con. Mỗi năm, tổng thu nhâp từ chăn nuôi, nấu rượu của gia đình gần 100 triệu đồng. Sau 5 năm nỗ lực làm kinh tế, đến năm 2020 gia đình tôi đã xin thoát nghèo và quyết định xây dựng căn nhà mới kiên cố”- Bà Trương Thị Thục - Vợ ông De kể trong tâm thế hạnh phúc.
Để đồng vốn hỗ trợ phát huy hiệu quả, ngay tại cơ sở (ấp), chúng tôi rà soát và phân loại từng trường hợp, đối với hộ đồng bào DTTS là hộ nghèo, vận dụng các chính sách đang có hiệu lực để tham mưu cho các cấp, các ngành, đoàn thể hỗ trợ, theo từng trường hợp cụ thể. Đồng bào nào đã có nhà, có đất thì vay vốn chuyển đổi nghề hoặc đầu tư mở rộng sản xuất, chăn nuôi. Khi có được hỗ trợ vốn, chúng tôi lại tiếp tục theo dõi sử dụng vốn có đúng mục đích không, hiệu quả như thế nào và đôn đốc trả nợ ngân hàng khi đến kỳ hạn để tránh nợ xấu. Với cách làm đó đồng vốn hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh đến đúng đối tượng và phát huy hiệu quả trong thực tiễn - ông Đồng cho biết thêm.
"Chúng tôi rất trân trọng nghị lực vươn lên của ông De và sự nỗ lực của gia đình, khi thoát nghèo còn giúp các hộ lân cận về gà giống, hướng dẫn tận tình để nuôi gà sao cho hạn chế dịch bệnh, đạt hiệu quả cao. Đây được xem là tấm gương điển hình của đồng bào Khmer ở ấp Vĩnh Thạnh" - Ông Trần Văn Đồng, Người có uy tín của xã Phong Đông, huyện Vĩnh thuận khẳng định.
Xã Phong Đông là một trong 3 xã có đông đồng bào Khmer sinh sống của huyện Vĩnh Thuận, đồng bào Khmer sống đan xen với dân tộc Kinh, chủ yếu sản xuất nông nghiệp và nuôi thủy sản. Từ khi bắt tay vào xây dựng NTM đến nay, diện mạo mới của xã không ngừng thay đổi và phát triển, đời sống Nhân dân tiếp tục được cải thiện và nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2022 giảm xuống còn 1,9%, thu nhập bình quân đầu người trên 64 triệu đồng/người/năm.
Để chung tay cùng chính quyền địa phương giữ vững các tiêu chí xây dựng NTM và tiếp tục phấn đấu xây dựng xã NTM nâng cao, cùng với sự hỗ trợ của Trung ương và địa phương, đồng bào chủ động, tích cực tham gia phong trào thi đua thi lao động, sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi để tăng thu nhập. Tập trung xóa bỏ các tập tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh.
Đại đức Danh Sơn, Trụ trì chùa Chắc Băng Cũ cho biết: Với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, nhiều gia đình phật tử được hỗ trợ sinh kế, nhà ở từ đó đã ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo, lo cho các con học hành. Về phía nhà Chùa cũng chung tay phát tâm tặng quà cho hộ nghèo trong những dịp lễ, tết, vận động đồng bào tạo môi trường cảnh quan xanh sạch, đẹp. "Bản thân sư cũng được tham gia các buổi tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật của địa phương sau đó tuyên truyền lại cho phật tử. Trong thời gian tới sư cùng Ban quản trị của Chùa và Người có uy tín tiếp tục vận động đồng bào chung tay xây dựng phum sóc ngày càng phát triển; làm tốt công tác bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc, tuyên truyền để đồng bào hiểu và trân trọng các chính sách mà Đảng và Nhà nước quan tâm, hỗ trợ cho đồng bào DTTS” Đại dức Danh Sơn nhấn mạnh.