Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam nằm trong số những nước có tỷ lệ trẻ tử vong cao nhất thế giới, 25% nguyên nhân tử vong là do sinh non, đây là một tỷ lệ cao và tập trung nhiều ở khu vực đồng bào DTTS. Nghiên cứu đánh giá của Bộ y tế và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc Unicef chỉ rõ nguyên nhân chính của tình trạng chậm cải thiện về sức khỏe sơ sinh là do thiếu cả về nhân lực và trang thiết bị, cơ sở vật chất cho chăm sóc sơ sinh.
Đặc biệt, kỹ năng về cấp cứu sơ sinh ở nhiều cơ sở y tế chưa đáp ứng được yêu cầu. Chính vì vậy, có nhiều trẻ sơ sinh tử vong do ngạt, suy hô hấp, tuần hoàn vì không được cấp cứu đúng và kịp thời.
Tại tỉnh Lào Cai, thống kê cho thấy, mỗi năm có trên 60 trẻ tử vong trong vòng 28 ngày đầu sau sinh. Để từng bước giảm thiểu tình trạng này, thời gian qua tỉnh Lào Cai đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động thiết thực như: Dự án Làm mẹ an toàn nhằm đào tạo và duy trì hoạt động của mạng lưới cỗ đỡ thôn bản; tổ chức các lớp tập huấn cho cô đỡ thôn bản và cán bộ y tế các tuyến về chăm sóc thiết yếu bà mẹ trẻ sơ sinh trong và sau khi sinh, chuyển tuyến dựa vào cộng đồng. Hồi sức sơ sinh tại phòng sinh; chăm sóc trẻ đẻ non, nhẹ cân bằng phương pháp Kagaroo… hỗ trợ thực hiện truyền thông tại các bệnh viện và 120 thôn bản về chăm sóc bà mẹ và trẻ em; giám sát hỗ trợ kỹ thuật tại các bệnh viện và trạm y tế xã…
Nhờ đó, tỷ lệ khám thai và sinh tại cơ sở y tế, tình trạng sinh non, nhẹ cân và tử vong sơ sinh tại Lào Cai đã được cải thiện đáng kể.
Cụ thể, tỷ lệ phụ nữ được khám thai 3 lần/ 3 thời kỳ năm 2022 đạt 81,3% (con số này năm 2012 là 66%); tỷ lệ phụ nữ được cán bộ y tế đỡ năm 2022 đạt 90,1% (năm 2012 con số này là 81,1%)… Năm 2022, toàn tỉnh Lào Cai có 385 trẻ sinh non/tổng số 10.762 số trẻ được sinh ra, trong 9 tháng đầu năm 2023 có 318 trẻ sinh non/ tổng số 7.924 số trẻ sinh.
Tại buổi Hội thảo hưởng ứng “Ngày thế giới vì trẻ sinh non”, các chuyên gia đã giải đáp nhiều thắc mắc, ý kiến của các bậc cha mẹ, phụ huynh về nguyên nhân, cách chăm sóc đối với trẻ sinh non…