Điển hình như huyện Quan Sơn, công tác phổ biến giáo dục kiến thức pháp luật (PBGDPL) đang được triển khai tích cực ở nhiều thôn, bản còn nhiều khó khăn, bằng các hình thức PBGDPL ngày càng đa dạng, phong phú, thiết thực. Đặc biệt là những thông tin, kiến thức pháp luật liên quan sát sườn đến cuộc sống dân sinh của đồng bào, qua đó, góp phần nâng cao hiểu biết của đồng bào về trách nhi ệm,quyền lợi của bản thân và gia đình, cũng như ý thức chấp hành pháp luật của các tầng lớp Nhân dân.
Bên cạnh đó, nhằm nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở về các dự án chính sách dân tộc, các chương trình MTQG, huyện Quan Sơn cũng đã tổ chức nhiều hội nghị triển khai tập huấn, phổ biến rộng rãi đến các tầng lớp Nhân dân. Mới đây, Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa phối hợp với huyện Quan Sơn tổ chức Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 – 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719).
Thông qua Hội nghị tập huấn, giúp các học viên kịp thời cập nhật, bổ sung những kiến thức cơ bản về quản lý, lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm ở cơ sở,áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất. Qua đó, giúp đội ngũ cán bộ các bản, người dân, Người có uy tín có thêm kinh nghiệm, kỹ năng và đủ năng lực quản lý cộng đồng; tham gia và thực hiện có hiệu quả các hoạt động của Chương trình MTQG 1719; phát huy vai trò, vị trí của cộng đồng trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Xác định vai trò và tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, PBGDPL cho người dân, hằng năm huyện Quan Sơn đã kiện toàn hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp để đảm bảo công tác tuyên truyền ngày càng thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả trên địa bàn.
Tính từ năm 2020 đến nay, huyện Quan Sơn đã tổ chức 338 cuộc tuyên truyền pháp luật cho 28.621 lượt người. Đặc biệt, nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật, ngành tư pháp cùng với các ngành, các cấp đã triển khai có hiệu quả Ngày Pháp luật Việt Nam hàng năm (9/11) bằng nhiều hình thức phong phú.
Qua đó, tiếp tục nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Hiện nay, UBND huyện đã công nhận 30 báo cáo viên pháp luật cấp huyện, có 160 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã, hầu hết là người DTTS.
Tại huyện biên giới Lang Chánh, theo kế hoạch chi tiết để triển khai Dự án 10, Tiểu dự án 1, với mục tiêu tiếp cận sâu rộng đến từng thôn bản, thông qua các hội nghị, phương tiện truyền thông và các buổi tập huấn, tính từ đầu năm đến nay, huyện Lang Chánh đã phối hợp với các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, Trung tâm Trợ giúp pháp lý, Công an, Ban Chỉ huy Quân sự, Hạt Kiểm lâm huyện, Đồn Biên phòng Yên Khương và chính quyền địa phương tổ chức khoảng 20 hội nghị tuyên truyền pháp luật, với nhiều nội dung đa dạng, thiết thực.
Các hội nghị phổ biến pháp luật được tổ chức ở cả hai cấp huyện và xã, với tổng cộng hơn 60 hội nghị, thu hút sự tham gia của hơn gần 7.000 đại biểu, trong đó có Người có uy tín, cán bộ cơ sở và người dân thuộc các dân tộc Mường, Thái…
Nội dung tuyên truyền tập trung vào những vấn đề pháp luật trực tiếp liên quan đến đời sống của bà con như: Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Phòng chống ma túy, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật An toàn giao thông, Luật Nghĩa vụ quân sự và nhiều văn bản luật khác.
Đặc biệt, những vấn đề pháp lý liên quan đến phong tục tập quán như tảo hôn, hôn nhân cận huyết, quyền tự do tín ngưỡng và quyền tiếp cận thông tin cũng được đưa vào nội dung tuyên truyền. Phòng Tư pháp huyện còn duy trì chuyên mục phổ biến pháp luật trên hệ thống loa truyền thanh từ huyện đến cơ sở hai lần mỗi tuần, kịp thời đưa những kiến thức pháp luật đến gần hơn với bà con DTTS.
Ngoài ra, các thông tin tuyên truyền còn được đăng tải trên các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook của UBND huyện, tăng cường sức lan tỏa và tạo sự tương tác trong cộng đồng.
Bà Lê Thị Thiết, Trưởng phòng Tư pháp huyện Lang Chánh cho biết: Qua công tác tuyên truyền, trên địa bàn đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm mới, sáng tạo như việc ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin phổ biến pháp luật thông qua mạng xã hội, cụ thể là các trang facebook, Zalo của các ngành như: Truyền hình huyện Lang Chánh, Tư Pháp, Công an, Quân đội, Tuyên giáo, phụ nữ từ cấp huyện đến cơ sở...; hay các chương trình, chuyên mục, trên đài truyền thanh; tổ chức các hoạt động đối thoại về chính sách, pháp luật giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp... đã giúp người dân tiếp cận thông tin pháp luật nhanh chóng, tiện lợi và thi hành một cách hiệu quả.
Bên cạnh các hội nghị phổ biến, Lang Chánh cũng đẩy mạnh các hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL) cho đồng bào DTTS. Thông qua các buổi tập huấn, phòng Tư pháp và các cơ quan hữu quan đã triển khai TGPL về các thủ tục hành chính trên môi trường mạng, hướng dẫn người dân tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến, giúp đồng bào tiếp cận với thủ tục pháp lý một cách nhanh chóng và tiện lợi hơn.
Nhờ áp dụng hình thức tuyên truyền phù hợp, nội dung sát thực tại các địa phương đã giúp cho người dân trên địa bàn các huyện biên giới hiểu rõ và chấp hành tốt các quy định của pháp luật. Nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng về vai trò, tầm quan trọng của công tác PBGDPL đã được nâng lên.
Nhiều cấp ủy, tổ chức đảng đã coi công tác PBGDPL là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; thường xuyên quan tâm đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, đoàn thể và các doanh nghiệp trong việc xây dựng và tổ chức các hoạt động tuyên truyền. Từ đó, có đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển KT-XH, đảm bảo AN-QP ở địa phương và tăng cường quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật.