Ban hành Nghị quyết “dẫn đường”
Những năm qua, vùng đồng bào DTTS và miền núi cả nước nói chung, tỉnh Quảng Trị nói riêng đang đón nhận nguồn lực lớn đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719).
Việc triển khai thực hiện Chương trình, là động lực quan trọng để khai thác và phát huy những tiềm năng, lợi thế vùng đồng bào DTTS. Đồng thời, giải quyết những vấn đề cấp bách lẫn lâu dài để phát triển bền vững, toàn diện vùng DTTS và miền núi. Tại tỉnh Quảng Trị, sau khi được phân bổ nguồn vốn, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị đã tích cực, chủ động và khẩn trương triển khai thực hiện. Vấn đề đảm bảo cơ sở tính pháp lý để thực hiện có hiệu quả Chương trình được Quảng Trị triển khai trước một bước.
Theo đó, HĐND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Nghị quyết số 22/2022/NQ-HĐND ngày 31/5/2022 quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ nguồn ngân sách (Gọi tắt là Nghị Quyết 22). Sau Nghị quyết 22, Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Trị tiếp tục ban hành Nghị quyết số 29/2022/NQ- HDND về cơ chế huy động nguồn lực và lồng ghép vốn giữa các chương trình mục tiêu Quốc gia (gọi tắt là Nghị Quyết 29).
Nghị quyết này được giao cho Ủy ban Nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện. Thường trực Hội đồng Nhân dân phối hợp với Ban thường trực Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh giám sát thực hiện. Nghị quyết đã huy động được cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, tạo sự thống nhất trong quá trình thực hiện.
Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng huy động tối đa các nguồn lực hợp pháp trong xã hội vào thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia, nhằm hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS, miền núi ở tỉnh Quảng Trị.
Nghị quyết 22 và Nghị Quyết 29 là hành lang pháp lý quan trọng mang tính dẫn đường để cả hệ thống chính trị ở Quảng Trị thực hiện Chương trình MTQG 1719. Đây cũng là căn cứ pháp lý để các cơ quan, địa phương lập kế hoạch hàng năm nguồn ngân sách nhà nước để hướng tới mục tiêu, thực hiện thành công Chương trình MTQG 1719.
Bên cạnh đó, Ban Dân tộc tỉnh cùng các Sở, ngành đã ký các biên bản ghi nhớ, biên bản hợp tác trong việc thược hiện Chương trình MTQG 1719. Các địa phương đã chủ động, tích cực tham mưu cho UBND tỉnh trong việc thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh và đạt được những kết quả tích cực; UBND tỉnh đã quyết liệt, kịp thời chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh; giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành có liên quan tham mưu triển khai Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ, các Thông tư, văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngày liên Quan.
Đến nay, hầu hết các quy định, các văn bản pháp lý để triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND, UBND tỉnh đã được ban hành. Từ đó, các Sở, ban ngành và UBND các huyện đã triển khai thực hiện đạt được một số kết quả nhất định.
Chuẩn bị nguồn nhân lực để thực hiện hiệu quả Nghị quyết
Cùng với ban hành Nghị quyết dẫn đường, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị cũng chuẩn bị nguồn nhân lực, cơ chế chính sách phù hợp để thực hiện Chương trình MTQG 1719.
Khác với 2 Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và Xây dựng nông thôn mới; Chương trình MTQG 1719 lần đầu tiên được triển khai thực hiện nên có nhiều điểm mới. Chương trình MTQG 1719 thực hiện đồng thời 10 Dự án, nhiều Tiểu dự án tác động toàn diện lên vùng đồng bào DTTS và miền núi. Do đó, nguồn lực con người có ý nghĩa rất lớn đến việc thành bại của Chương trình MTQG 1719. Nhận thức được điều đó, ngay từ những ngày đầu thực hiện Chương trình, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị đã thành lập, kiện toàn bộ máy Ban chỉ đạo từ câp tỉnh đến cấp địa phương.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị cũng thành lập tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo về quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện Chương trình MTQG 1719. Các tổ giúp việc được phân công nhiệm vụ cụ thể theo từng mảng. Từ đó, tạo sự linh hoạt trong điều hành chỉ đạo thực hiện Chương trình MTQG 1719.
Song song với đó, UBND tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị đã triển khai công tác tuyên truyền để đồng bào DTTS và người dân sống ở vùng miền núi hiểu về vai trò, ý nghĩa của Chương trình MTQG. Các chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025 và 2030, cũng như nội dung của 10 dự án thành phần đã được phổ biến đến với người dân một cách đầy đủ.
Đặc biệt là thông qua đội ngũ Người có uy tín trong đồng bào DTTS, Chương trình MTQG 1719 được tuyên truyền sâu rộng. Từ đó tạo sự đồng thuận trong đồng bào DTTS, người dân sống ở vùng miền núi, để cùng chung sức thực hiện hiệu quả và thành công Chương trình MTQG 1719.
Khi bộ máy Chỉ đạo Chương trình MTQG 1719, các tổ giúp việc được thành lập đầy đủ. Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng trị cùng các sở ngành, đã tổ chức nhiều lớp tập huấn nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thực hiện Chương trình MTQG 1719. Đến thời điểm hiện tại, Quảng Trị đã chuẩn bị đầy đủ các chích sách và nguồn lực con người để triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719.
Năm 2022, Quảng Trị phân bổ 242.729 triệu đồng để thực hiện Chương trình MTQG 1719. Trong đó, nguồn ngân sách Trung ương phân bổ là: 216.314 triệu đồng, nguồn ngân sách địa phương (vốn đối ứng) là: 26.415 triệu đồng. Tổng nguồn vốn chung của Chương trình MTQG 1719 được phân làm vốn đầu tư phát triển 150.630 triệu đồng, vốn sự nghiệp 65.684 triệu đồng.
Năm 2023 nguồn ngân sách Trung ương phân bổ cho Quảng Trị để thực hiện Chương trình MTQG 1719 là: 396.966 triệu đồng. Trong đó, 192.739 triệu đồng bố trí cho đầu tư phát triển, 204.227 triệu đồng là vốn sự nghiệp.
Sau khi được phân bổ nguồn vốn, cả hệ thống chính trị tại tỉnh Quảng Trị đã khẩn trương triển khai các nội dung, tiến tới giải ngân để phát huy nguồn vốn đầu tư. Riêng nguồn vốn đầu tư phát triển, các công trình đồng loạt được khởi công xây dựng.
Với cách tổ chức, xây dựng kế hoạch đúng lộ trình, giải pháp cụ thể nên Chương trình MTQG 1719 ở Quảng Trị triển khai đúng tiến độ. Năm 2022, dù còn có nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai, nhưng tỷ lệ giải ngân vốn vẫn đạt 25,8%. Hiệu ứng về Chương trình MTQG 1719 đã thể hiện rõ qua tỉ lệ hộ nghèo giảm.
Tính từ đầu năm 2022 đến cuối năm 2023, theo số liệu thống kế của sở Lao động thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị, thì số hộ nghèo vùng đồng bào DTTS, miền núi cửa tỉnh đã giảm 5,85%. Hộ nghèo DTTS, hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống tại xã, thôn bản đặc biệt khó khăn được giải quyết tình trạng thiết thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt theo điều kiện cụ thể của từng tiểu vùng.
Cùng với đó, nhiều công trình xây dựng cơ bản sử dụng nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 cũng đã hoàn thành đưa vào sử dụng góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi Quảng Trị