Còn tình trạng sang nhượng đất trái phép
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, đến nay các chính sách hỗ trợ giải quyết đất sản xuất cho các hộ đồng bào DTTS đã góp phần nâng tổng diện tích đất canh tác vùng đồng bào toàn tỉnh lên 15.281,08 ha/14.279 hộ (bình quân chung trên 1 ha/hộ). Cụ thể, tổng diện tích đất được cấp 5.726,45 ha/5.375 hộ.
Trong đó, đất cấp theo Nghị quyết số 04-NQ/TU 5.048,55 ha/4.415 hộ. Đất cấp theo Chỉ thị số 02/CT-UBND là 406,3 ha/558 hộ và đất cấp theo Quyết định số 755/QĐ-TTg là 271,6 ha/402 hộ. Theo đánh giá của UBND tỉnh, hầu hết diện tích đất đã cấp đều được đồng bào đưa vào sản xuất, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình, vươn lên thoát nghèo. Qua đó, góp phần hỗ trợ đồng bào phát huy hiệu quả sử dụng đất sản xuất được cấp.
Đối với các địa phương không còn quỹ đất để giải quyết đất sản xuất cho đồng bào DTTS, UBND tỉnh đã phân khai kinh phí hỗ trợ chuyển đổi nghề với tổng kinh phí là 3,9 tỷ đồng/780 hộ theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên thực tế trong thời gian qua, tình trạng sang nhượng đất trái phép do Nhà nước cấp cho hộ đồng bào DTTS vẫn còn xảy ra. Cụ thể, tổng diện tích đất mua bán, sang nhượng 720,84 ha/650 hộ. Trong đó, một số địa phương có diện tích đất bán chiếm tỷ lệ trên 10% hầu hết đất được cấp theo Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy như xã Phong Phú (huyện Tuy Phong); xã Tân Lập (huyện Hàm Thuận Nam); xã Tân Hà (huyện Hàm Tân)…
Ban Dân tộc tỉnh cho biết, theo rà soát, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng sang nhượng, đó là do đất bạc màu, không chủ động nước tưới, hoặc diện tích nhỏ lẻ, đất xa nơi ở, đi lại khó khăn, với 356,9 ha/375 hộ (chiếm 49,51%). Nguyên nhân nữa là do hoàn cảnh gia đình khó khăn già yếu bệnh tật, người dân bán lấy tiền chữa bệnh, chi tiêu sinh hoạt gia đình, trả nợ ngân hàng. Ngoài ra, một số hộ dân đã bán đất mua bò, mua đất khác hoặc chuyển đổi nghề, với diện tích bán 62,5 ha/26 hộ…
Cần chính sách quản lý chặt chẽ
Ngoài những nguyên nhân trên, một bộ phận đồng bào DTTS còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước. Hơn nữa, do tập quán canh tác lạc hậu, chưa chịu khó lao động sản xuất dẫn đến khó khăn về kinh tế nên phải bán đất sản xuất.
Tại khoản 1 Điều 40 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định: “Hộ gia đình, cá nhân đồng bào DTTS sử dụng đất do được Nhà nước giao đất theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước chỉ được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất sau 10 năm kể từ ngày có quyết định giao đất nếu được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận không còn nhu cầu sử dụng do chuyển khỏi địa bàn xã, phường, thị trấn nơi cư trú để đến nơi khác hoặc do chuyển sang làm nghề khác hoặc không còn khả năng lao động”.
Tuy nhiên, thực tế việc mua bán, chuyển nhượng, cho thuê đất của các hộ đồng bào phần lớn bằng giấy tay, nên gây khó khăn cho công tác quản lý, tiềm ẩn các yếu tố gây mất an ninh khi xảy ra tranh chấp…
Từ thực trạng trên, mới đây UBND tỉnh đã kiến nghị Thường trực Tỉnh ủy đề xuất Chính phủ cần có chính sách quản lý đất đối với diện tích đất do Nhà nước cấp cho đồng bào DTTS. Đồng thời, quy định cụ thể đất đã giao cho đồng bào DTTS thì không được sang nhượng, nhằm tránh không còn đất dẫn đến thiếu diện tích đất sản xuất, xảy ra nghèo đói, phải phá rừng làm rẫy, “di canh di cư”.
UBND tỉnh cũng đề nghị Thường trực Tỉnh ủy có ý kiến chỉ đạo các địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động đồng bào chấp hành đúng các quy định của pháp luật về đất đai theo tinh thần Nghị quyết số 04. Riêng các địa phương, cần tăng cường quản lý đất đai, rà soát xây dựng phương án sử dụng đất cụ thể. Song song, quản lý chặt chẽ diện tích đất được Nhà nước cấp, không để đồng bào sang nhượng, bán đất dưới mọi hình thức.
UBND cấp xã thường xuyên rà soát, đánh giá nắm chắc tình hình mua, bán, chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng đất được cấp cho hộ đồng bào DTTS. Tìm hiểu kỹ nguyên nhân, cụ thể từng trường hợp để tham mưu đề xuất phương án xử lý kịp thời ngay tại cơ sở. Đồng thời, có biện pháp chế tài, răn đe đối với các trường hợp đã vi phạm bán đất không theo quy định.
Đối với Sở Tài nguyên và Môi trường cần hướng dẫn UBND các huyện tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về thủ tục, tạo điều kiện đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đồng bào đối với số diện tích chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Rà soát quy trình, thủ tục để hạn chế việc mua bán, chuyển nhượng đất có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà không thông qua chính quyền cơ sở. Ngoài ra, UBND tỉnh đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu triển khai ứng dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp mới, hiệu quả tại các địa phương; thực hiện chính sách đầu tư ứng trước, hỗ trợ chuyển đổi nghề.../.