Nhà mồ được trang trí trước khi tổ chức Lễ Pơ thi - Ảnh: Xuân HiềnChúng tôi vừa có dịp tham dự một Lễ bỏ mả đặc sắc của gia đình người Gia Rai tại làng Kép 2, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai. Theo quan niệm của người Gia Rai, sau khi qua đời, linh hồn người mất (atâu) vẫn ở lại cùng gia đình cho đến khi Lễ Pơ Thi được tổ chức. Trong thời gian đó, người thân phải mang cơm nước ra nhà mồ mỗi ngày, như thể người đã khuất vẫn còn hiện diện như một thành viên trong gia đình.
Lễ Pơ Thi là một nghi lễ đặc biệt của người Gia Rai, mang ý nghĩa tiễn đưa linh hồn người chết về thế giới của Yang (thần linh). Đây cũng là dịp cuối cùng để gia đình sum họp cùng người quá cố trước khi chính thức chia tay, để họ tái sinh trong một kiếp sống khác. Sau Lễ này, người sống không còn phải chăm lo cơm nước hằng ngày cho người chết. Họ được xem là đã hoàn thành bổn phận với người đã khuất. Người vợ hoặc chồng còn lại cũng chính thức được tự do đi bước nữa.
Trong mùa Lễ Pơ Thi năm nay, chúng tôi được chứng kiến một câu chuyện xúc động về lòng thủy chung son sắt của một người phụ nữ Gia Rai làm Lễ bỏ mả cho chồng. Chồng chị mất vì bệnh cách đây 9 năm, đến năm nay, chị mới tổ chức Lễ bỏ mả để tiễn biệt anh. Suốt 9 năm dài đằng đẵng, không quản nắng mưa, chị đều đặn mang cơm ra nhà mồ mỗi ngày cho chồng. Trong chừng ấy thời gian, chị không trang điểm, không ăn chơi, không cười nói nhiều - như một cách thể hiện lòng thành kính với người chồng quá cố. Một tấm lòng trung trinh, một “tiết hạnh khả phong” khiến ai chứng kiến cũng không khỏi khâm phục.
Một số thanh niên bôi bùn, đất hóa trang thành các Pram, mang ý nghĩa xua đuổi tà ma, ác quỷ - Ảnh minh họaLễ bỏ mả thường được tổ chức sau khi người mất đã qua đời ít nhất một năm, phổ biến là từ 3 đến 5 năm, nhưng cũng có trường hợp kéo dài đến 10 hay 20 năm mới tiến hành. Pơ Thi là lễ hội lớn nhất, giàu giá trị văn hóa tinh thần của người Gia Rai, thể hiện sâu sắc quan niệm về sự sống, cái chết và vòng luân hồi.
Không chỉ là lễ tiễn biệt linh hồn người mất về với thế giới của thần linh, Pơ Thi còn là dịp gắn kết cộng đồng, là sân khấu của những tinh hoa văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực đặc trưng của người Gia Rai. Lễ hội không chỉ quy tụ gia đình người mất, mà còn có sự hiện diện của cả dòng họ, dân làng và cả những làng lân cận cùng về chung vui, chung tiếc thương và gìn giữ truyền thống.
Trước Lễ Pơ Thi, gia đình và người thân cùng thanh niên trong làng đã vào rừng từ nhiều ngày trước để tìm những cây gỗ tốt, mang về đẽo gọt thành Kra côm - những pho tượng nhà mồ, biểu tượng thiêng liêng không thể thiếu trong lễ tiễn biệt. Kra côm là hình ảnh những người canh giữ giấc ngủ vĩnh hằng cho người đã khuất, đồng thời là nơi kết tinh nghệ thuật điêu khắc mộc mạc mà tinh tế của người Gia Rai. Từ những khúc gỗ vô tri, qua bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, đã trở thành những tác phẩm sống động, mang đậm hơi thở bản địa, thu hút ánh nhìn của du khách, đặc biệt là những ai đam mê văn hóa Tây Nguyên.
Kra côm - Tượng nhà mồ mang văn hóa phồn thực - Ảnh: Xuân HiềnLễ hội Pơ Thi thường kéo dài suốt ba ngày ba đêm. Trong suốt thời gian ấy, người tham dự như “say mềm” – không chỉ bởi men rượu cần nồng nàn, mà còn bởi tiếng cồng chiêng vang vọng núi rừng, những điệu xoang uyển chuyển và bầu không khí linh thiêng hòa quyện cùng niềm vui cộng đồng. Đó là những khoảnh khắc mà con người, âm thanh, ánh lửa và niềm tin như tan vào nhau, tạo thành một bản hòa ca tiễn biệt – đẹp đẽ, xúc động và không thể nào quên.
Lễ hội Pơ Thi là dịp để người Gia Rai thể hiện sự gắn kết cộng đồng, đồng thời là không gian hội tụ và lan tỏa những nét văn hóa đặc sắc nhất của dân tộc. Trong Lễ hội này, văn hóa cồng chiêng – di sản quý báu của Tây Nguyên – được thể hiện một cách tự nhiên, sống động và mang đậm bản sắc riêng của người Gia Rai.
Ở khu vực Tây Nguyên, không nhiều nơi còn lưu giữ được trọn vẹn giá trị nguyên bản của Lễ hội Pơ Thi truyền thống như tại xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai. Chính bởi sự độc đáo và chân thực ấy, Lễ hội Pơ Thi nơi đây đã trở thành điểm đến thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế, đặc biệt là những người yêu văn hóa dân gian và khám phá bản sắc tộc người.
Nhà rông người Gia Rai - Ảnh: Xuân HiềnHiện nay, chính quyền xã Ia Mơ Nông và huyện Chư Păh đã đưa Lễ hội Pơ Thi vào mô hình du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, với giá trị văn hóa đặc sắc và tiềm năng phát triển bền vững, thiết nghĩ các cơ quan chức năng của tỉnh Gia Lai cần có những bước đi mạnh mẽ hơn nhằm “nâng tầm” Lễ hội Pơ Thi, xây dựng nơi đây thành sản phẩm du lịch văn hóa tiêu biểu - không chỉ của Gia Lai mà còn của cả vùng đất Tây Nguyên giàu bản sắc.