Kênh thông tin tuyên truyền hiệu quả
Theo Quyết định số 45, tại Bình Định có 19 ấn phẩm báo, tạp chí được cấp cho 149 đơn vị xã, phường của 10 huyện, thị xã, thành phố và hàng trăm già làng, trưởng bản, Người có uy tín và các hội, đoàn thể. Tính trong năm 2019, Bưu điện tỉnh Bình Định đã tổ chức và hướng dẫn các đơn vị trực thuộc thực hiện chuyển phát báo, tạp chí theo danh sách và số lượng do Công ty Phát hành báo chí Trung ương cung cấp, ước tính có 129.749 tờ/cuốn, cung cấp cho 2.037 đơn vị, đối tượng được thụ hưởng.
Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, các bưu tá trên địa bàn tỉnh đã phát được 97.619 tờ/cuốn. Nhờ vậy, mà báo, tạp chí đã mang lại nhiều thông tin bổ ích, thiết thực, là tư liệu không thể thiếu để giúp cán bộ, đảng viên, già làng, trưởng bản, Người có uy tín làm cơ sở tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện. Trong các ấn phẩm báo chí chứa đựng lượng thông tin về khoa học - kỹ thuật, các mô hình phát triển sản xuất, chăm sóc sức khỏe, giữ gìn bản sắc dân tộc... rất thiết thực đối với đồng bào dân DTTS.
Già làng Mang Trí, ở làng Hà Giao, xã Canh Liên (huyện Vân Canh) tâm sự: Mình già rồi không đi được nhiều nơi, nhưng nhờ đọc báo mình biết được nhiều thông tin trong và ngoài tỉnh. Mỗi lần gặp mặt bà con, mình đem những thông tin đó truyền đạt lại để họ hiểu được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước dành cho đồng bào. Từ đó, bà con thay đổi nhận thức, am hiểu pháp luật, xóa bỏ các hủ tục, chí thú làm ăn.
Cần nâng cao chất lượng phát hành
Nhìn chung, các đơn vị liên quan đã có nhiều nỗ lực để các ấn phẩm báo chí đến tay đồng bào. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập như: Người có uy tín, già làng chưa được giao tận tay; một số hội, đoàn thể ở nhiều xã, do địa hình xa, hiểm trở, nhân viên bưu điện chỉ bàn giao tại UBND xã, không giao đến tận nơi. Đặc biệt trong mùa mưa bão, việc đi lại càng khó khăn hơn nên công tác phát hành báo chậm.
Ông Đinh Biên, Người có uy tín tại làng Tà Lét, xã vùng cao Vĩnh Hiệp (huyện Vĩnh Thạnh) chia sẻ: “Các ấn phẩm báo, tạp chí có ý nghĩa quan trọng về thông tin, để tôi có thể tham khảo, vận dụng ở địa bàn. Đặc biệt là những thông tin trên Báo Dân tộc và Phát triển luôn sát sao với đời sống của vùng đồng bào DTTS và miền núi. Nhờ đọc báo, tôi biết những mô hình kinh tế hay có thể áp dụng tại địa phương, sau đó tôi chia sẻ lại với đồng bào để họ học tập. Nhưng không hiểu vì lý do gì, thỉnh thoảng chúng tôi mới nhận được báo?”.
Trao đổi phản ánh của bạn đọc với lãnh đạo Bưu điện tỉnh Bình Định, ông Nguyễn Gia Bình, Giám đốc Bưu điện tỉnh lý giải: Một số đối tượng thụ hưởng không nhận được báo do địa hình ở xa, đi lại khó khăn và họ thường xuyên đi làm nương rẫy xa, không về nhà. Khi bưu tá đến phát báo, người nhà nhận thay nhưng không chuyển báo lại, dẫn đến thất lạc. Thời gian tới, Bưu điện tỉnh sẽ chỉ đạo bưu điện tuyến dưới, tăng cường nhắc nhở bưu tá phải cấp phát báo đến đúng địa điểm, đúng đối tượng được nhận báo.
“Qua công tác kiểm tra, Ban Dân tộc tỉnh nhận thấy còn nhiều bất cập trong quá trình thực hiện, cần phải nhanh chóng khắc phục. Thời gian tới, đề nghị Bưu điện tỉnh thực hiện nghiêm túc để chính sách này thực sự phát huy hiệu quả”, ông Đinh Văn Lung, quyền Trưởng Ban Dân tộc tỉnh đề nghị.