Cơ chế, chính sách đi cùng chiến lược phát triển
Sau Đại hội XIII của Đảng, các mục tiêu phát triển đất nước trong giai đoạn tới được xác định rõ ràng hơn. Trong đó, định hướng phát triển vùng cũng được chỉ rõ: “Tập trung bảo vệ, khôi phục rừng nhất là rừng đầu nguồn và có chế độ đãi ngộ tốt hơn đối với người trồng rừng, giữ rừng. Phát triển lâm nghiêp bền vững, cây công nghiệp cây ăn quả, cây đặc sản, cây dược liệu, chăn nuôi gia súc gắn với công nghiệp chế biến nông, lâm sản. Phát triển hiệu quả các cơ sở khai thác gắn với chế biến sâu các loại khoáng sản. Phát triển kinh tế vùng biên, tăng cường quản lý nhà nước, phát huy vài trò kinh tế cửa khẩu…”
Để đạt được những định hướng phát triển này, thì trong giai đoạn tiếp theo cần phải có cơ chế chính sách phù hợp để phát huy tiềm năng lợi thế của vùng. Bên cạnh đó, các chính sách đầu tư, phải phát huy được lợi thế của từng tỉnh trong vùng; hỗ trợ lẫn nhau trên cơ sở phân bố hợp lý không gian lãnh thổ, cơ cấu các ngành công nghiệp; phân công hợp tác trong phát triển công nghiệp để đảm bảo tính liên kết vùng.
Ông Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho rằng, Trung ương cần có chính sách ưu đãi nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư vào các ngành khai thác lợi thế, phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội của vùng. Các tỉnh trong vùng cần tiếp tục nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của liên kết vùng, tập trung khai thác thế mạnh của từng vùng để bổ trợ lẫn nhau cùng phát triển.
Từ thực tế cho thấy, vấn đề hoàn thiện các quy hoạch phát triển, vùng TD&MNPB cần lưu ý đến liên kết chuỗi trong vùng, trong việc hình hành các khu kinh tế và các dự án phát triển của vùng. Ví dụ như, có thể thu hút đầu tư đưa Lào Cai trở thành trung tâm luyện kim lớn của vùng; Xây dựng Thái Nguyên là trung tâm sản xuất cơ khí chế tạo có trình độ cao; Khu chế biến gỗ tại Phú Thọ để liên kết với các tỉnh Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Đưa Sơn La trở thành trung tâm chế biến nông nghiệp của miền núi phía Bắc …
Chia sẻ về vấn đề này tại Diễn đàn đầu tư phát triển vùng TD&MNPB tại Phú Thọ vào giữa tháng 4/2021, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết: Phải có một vị “nhạc trưởng” điều phối, tăng tính liên kết với nhau, để sự tương đồng giữa tỉnh này với tỉnh kia được đồng bộ; Tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông; Cần có giải pháp đào tạo nguồn nhân lực; Có giải pháp về khoa học công nghệ…
“Khi có đủ những yếu tố này trong tay, thì địa phương sẽ có đủ điều kiện để xây dựng chính sách, tạo tiền đề cho các tập đoàn kinh tế lớn, kể cả doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và vừa trên địa bàn có cơ hội phát triển”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh nhấn mạnh.
Khơi thông nguồn lực - Chìa khóa thành công
Để phát triển nhanh và bền vững, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa vùng TD&MNPB, giai đoạn 2021 - 2025, đặt ra 3 mục tiêu quan trọng là: Duy trì và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng ở mức cao hơn bình quân chung cả nước, đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, đặc biệt là hệ thống giao thông đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng…; Khai thác hợp lý thế mạnh của vùng về nguồn tài nguyên thiên nhiên, thổ nhưỡng khí hậu cho phù hợp phát triển công nghiệp, dược liệu..; Từng bước thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển và mức sống của người dân trong vùng so với bình quân cả nước…
Để đạt được các mục tiêu quan trọng đó, cần huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư công đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng kinh tế. Giai đoạn 2021 - 2030 dự kiến tổng nhu cầu kế hoạch vốn toàn vùng, là trên 394.707 tỷ đồng sẽ được huy động từ nhiều nguồn khác nhau như: ngân sách địa phương, vốn ngân sách trung ương, vốn ODA…
Theo TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương: Để sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư, tránh dàn trải; đặc biệt là, vốn từ ngân sách nhà nước, cần tập trung cho các công trình trọng điểm, cấp bách.
Các bộ, ngành và địa phương cần lựa chọn dự án, theo thứ tự ưu tiên đầu tư, quyết liệt triển khai thi công, bảo đảm hoàn thành theo tiến độ đề ra. Đồng thời, tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, hướng vào thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nhất là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn ODA.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, đòi hỏi cần phải huy động tối đa nguồn lực từ các thành phần kinh tế. Các dự án xã hội hóa trong lĩnh vực hạ tầng giao thông ở nước ta, thông qua phương thức hợp tác công-tư (PPP) cần được tiếp tục khuyến khích.
Những năm qua, không ít dự án giao thông tại vùng TD&MNPB nhận được sự quan tâm lớn của nhà đầu tư, như: Dự án cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn, Đồng Đăng (Lạng Sơn)-Trà Lĩnh (Cao Bằng) hay dự án xây dựng sân bay Sa Pa, nâng cấp sân bay Điện Biên Phủ...
Tuy nhiên, để khơi dậy và phát huy hơn nữa tiềm lực từ nguồn vốn xã hội hóa, trước hết cần hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng môi trường đầu tư cởi mở, thông thoáng nhằm tạo được niềm tin với nhà đầu tư. Bảo đảm phương án tài chính khả thi cho dự án, trong đó, có các hình thức hoàn vốn để tái đầu tư, là giải pháp quan trọng thúc đẩy các công trình hạ tầng giao thông sớm triển khai.
Nhìn từ thực tế phát triển các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, khi chính sách phát triển được xây dựng đồng bộ, nguồn lực được khơi thông sẽ tạo “bệ phóng” giúp vùng TD&MNPB phát triển, thoát khỏi vùng trũng, phát triển xứng tầm là một trong 6 vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, đảm bảo an ninh quốc gia.