Sinh ra và lớn lên ở làng Le, già A Ren am hiểu rất nhiều phong tục tập quán của người làng mình. Đặc biệt, ông được cha truyền dạy cho nghề tạc tượng nhà mồ để phục vụ cho Lễ pơ thi (Lễ bỏ mả). Ở làng Le, ông được coi là người kết nối để giữa con người với thế giới thần linh, vì những bức tượng từ đôi bàn tay ông tạc nên đều được dùng cho việc thờ cúng.
“Nghề tạc tượng nhà mồ do cha mình truyền lại, ngày xưa ông ấy cũng là một trong những người tạc tượng đẹp của làng. Từ nhỏ, mình từng nhiều lần chứng kiến cha cùng các chú trong làng tạc tượng để phục vụ Lễ pơ thi nên mình học được nhiều kinh nghiệm. Nhiều lần mình đi kiếm gỗ về tập tành tạc thử, được sự hướng dẫn, chỉ bảo của cha, cứ như thế là mình biết làm. Ngày cha mất, người làng vẫn đến nhà mình để tạc tượng, vì trong làng này ít người biết tạc lắm. Ngày trước, trong làng cũng có 1 người biết tạc giống mình, nhưng người ta về cõi chết rồi nên cả làng Le giờ chỉ còn một mình hành nghề thôi”, già A Ren chia sẻ.
Cũng như bao nghề khác, nghề tạc tượng cũng có nhiều khó khăn. Muốn làm được một tượng gỗ, người thợ lành nghề cũng phải mất khoảng 3 ngày. Gỗ dùng tạc tượng là loại gỗ thân mềm nhưng mối mọt không ăn được. Tùy trí tưởng tượng của mỗi người, sự khéo léo của đôi bàn tay mà những bức tượng sẽ có thần thái khác nhau. Đối với người Rơ Măm, mỗi khu nhà mồ đều phải có ít nhất 4 pho tượng đứng ở bốn góc và 2 bức tượng ở phía ngoài để bảo vệ nhà mồ.
Trưởng thôn A Thái cho biết: “Cũng như đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên, người làng Le cũng dựng nhà mồ cho người đã khuất. Để bảo vệ nhà mồ, người dân làng sẽ tạc tượng gỗ và dựng ở đó. Vào dịp cuối năm, người thân thường tổ chức cải tạo, sửa sang các pho tượng để tưởng nhớ người đã khuất. Trong làng chỉ còn duy nhất nghệ nhân là ông A Ren giữ được nghề tạc tượng truyền thống.
Già A Ren rầu rĩ nói: Đồng bào mình rất coi trọng các lễ cúng, mang tín ngưỡng tâm linh như Lễ pơ thi. Nhưng hiện nay ở làng Le chẳng còn ai biết tạc tượng. Mình thì già rồi, một ngày nào đó cũng phải nằm xuống, lúc đó người làng phải đi qua làng khác để thuê người ta tạc tượng, như vậy thì khổ lắm. Thế nhưng ở làng này lớp trẻ cũng không mặn mà với nghề nên mình cũng không truyền dạy được. Hiện nay, để giữ gìn nghề này, mình đang hướng dẫn và truyền nghề lại cho hai đứa cháu. Biết là khó vì tụi nhỏ giờ không thích mấy cái này đâu nhưng mình cũng sẽ cố gắng để dạy chúng nó. Kiên trì học là sẽ làm được. Học được cái này thì có thêm cái nghề, đồng thời giữ gìn được nghề của cha ông để lại.
Trao đổi với chúng tôi, ông H’Rách Láo, Chủ tịch UBND xã Mo Rai, cho biết: “Việc giữ gìn nghề truyền thống của người đồng bào DTTS cũng được chính quyền địa phương hết sức quan tâm. Riêng chính quyền xã Mô Rai thời gian tới sẽ vận động, cũng như tổ chức cho tầng lớp thanh niên trong làng, kế thừa và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc nhằm lưu giữ nét văn hóa đặc trưng của buôn làng Tây Nguyên nói chung và người Rơ Măm nói riêng”.