Cuộc thi hướng đến cộng đồng, các nhà báo, nhiếp ảnh gia..., những người đã chứng kiến các câu chuyện truyền cảm hứng về phụ nữ trong phòng chống thiên tai, nhằm truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ trong lĩnh vực này. Đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trong lĩnh vực này.
Với thời gian phát động và nhận bài dự thi từ 15/11-30/12/2021, Cuộc thi đã thu hút một lượng lớn tác phẩm tham gia gồm hơn 1.000 bài dự thi của các thí sinh từ khắp mọi miền trên đất nước. Các bài dự thi đa dạng, truyền tải nhiều câu chuyện cảm động, truyền cảm hứng cho người xem.
50 bài dự thi xuất sắc nhất đã được lựa chọn đăng tải trên trang Facebook Thiên tai Thế giới. Cuộc thi đã thu hút rất nhiều đối tượng dự thi đa dạng từ nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, nhà báo, đến các hội viên Hội phụ nữ, giáo viên các trường học và công dân Việt Nam trên cả nước, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng về công tác phòng, chống thiên tai của Việt Nam và chủ đề phụ nữ trong phòng, chống thiên tai.
Theo đó, Giải Vàng với phần thưởng trị giá 15 triệu đồng thuộc về tác phẩm “Về nhà khi có lũ” của tác giả Nguyễn Linh Vinh Quốc đến từ Gia Lai. Giải Bạc với phần thưởng trị giá 10 triệu đồng, thuộc về tác phẩm “Khi bão lũ đi qua” của tác giả Nguyễn Khoa Huy đến từ Thừa Thiên Huế. Giải Cộng đồng được trao cho bài dự thi của thí sinh không chuyên nhưng có tác phẩm được Ban Tổ chức đánh giá cao nhất thuộc về Tác phẩm “Các cô giáo dọn trường sau lũ” của tác giả Lê Thị Gái đến từ Quảng Bình, với phần thưởng trị giá 5 triệu đồng.
Ayun (một phụ lưu của sông Ba, chảy hoàn toàn trên địa phận tỉnh Gia Lai) là dòng sông nhỏ, trong xanh, nước chảy êm đềm và có thể lội bộ vào những ngày bình thường. Nhưng khi nước lũ kéo về, thì phương tiên duy nhất để qua sông là chiếc bè tre. Người Phụ nữ Gia Rai đã nỗ lực chèo lái chiếc bè để về nhà cùng con. Dáng chị hao gầy, cùng đứa con nhỏ đang say ngủ trên lưng, dường như bé biết mẹ đang phải gồng mình chống chọi với thiên tai để mưu sinh. Giá như trên khúc sông này có nhiều cây cầu để bớt đi những rùi ro cho đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng và chị em phụ nữ vùng sâu vùng xa nói chung.