Bên cạnh dân tộc Kinh và các dân tộc gốc Tây Nguyên là Cơ Ho, Mạ, Mnông, Chu Ru…; các dân tộc thiểu số từ các tỉnh miền núi phía Bắc như Tày, Nùng, Thái, Dao, Mông… đã chọn Lâm Hà làm quê hương mới để sinh cơ lập nghiệp, phát triển kinh tế góp phần làm giàu đẹp cho vùng đất Nam Tây Nguyên.
Trải qua bao mùa hoa trên miền quê Lâm Hà, đồng bào các dân tộc nơi đây vẫn luôn đoàn kết, chăm chỉ, cần cù và toả sáng. Họ vẫn luôn giữ được nét đặc trưng riêng trong đời sống, lễ hội, trang phục…, tạo nên sự phong phú, đa dạng và khoe sắc trong vườn hoa các dân tộc Việt Nam đang sinh sống trên quê hương Lâm Hà.
Nếu hoa ban là đặc sản của núi rừng Tây Bắc thì dã quỳ đang rực rỡ khắp Tây Nguyên lại là biểu tượng của sức sống mãnh liệt, là tình yêu chung thủy. Cái màu vàng ấy đang lan tràn khắp núi rừng, từ thành thị đến vùng nông thôn xa xôi… làm xao xuyến biết bao tâm hồn.
Mang theo những hoài bão, khát vọng từ xứ sở hoa ban, người Dao đỏ Lâm Hà đang đón nhận một cuộc sống mới ngày càng tươi đẹp, rực rỡ như các thiếu nữ dân tộc Dao đỏ xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà hôm nay: Triệu Thị Kim, Triệu Thị Thuý, Triệu Mùi Ghển…