Năm học 2022-2023, môn học âm nhạc dân gian Tây Nguyên, chính thức được đưa vào chương trình giảng dạy cho sinh viên năm cuối khóa K20, với mục đích chuyên nghiệp hóa và cung cấp kiến thức cơ bản, khoa học về vùng đất, con người và âm nhạc của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên cho sinh viên. Môn học gồm 2 phần: phần lý thuyết giới thiệu về đặc trưng văn hóa vùng đất Tây Nguyên và phần thực hành sử dụng hai loại nhạc cụ là ching kram và đàn t’rưng.
Em Y Bang Niê (SN 2003), dân tộc Ê Đê, sinh viên K20 của Khoa Âm nhạc - Múa chia sẻ: Âm nhạc dân gian Tây Nguyên, nhạc khí chủ yếu từ tre nứa và cồng chiêng, giai điệu tiết tấu vô cùng phong phú và đa dạng, khác với âm nhạc phương Tây, nhưng rất hấp dẫn. Em sinh ra và lớn lên cùng bà con buôn làng ở thị trấn Krông Năng, huyện Krông Năng, từ nhỏ em đã được tiếp xúc với các nhạc cụ truyền thống, được các nghệ nhân truyền dạy đánh cồng chiêng, thực hành biểu diễn nên khi học âm nhạc dân gian, sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc em cũng tiếp thu nhanh hơn. Em rất phấn khích khi được học và sử dụng các nhạc cụ bằng tre nứa đàn T’rưng, Đinh Pak, Đàn Tre, Chinh Kram, Đrưng con…;
“Môn học được đưa vào giảng dạy trong trường, bản thân là người Ê Đê em rất tự hào. Tốt nghiệp xong em sẽ tiếp tục học liên thông đại học, ngành sư phạm để sau này về địa phương đi dạy. Em dự định sẽ mở một trung tâm dạy các bạn nhỏ trong buôn bảo tồn văn hóa dân tộc”Y Bang Niê chia sẻ thêm.
Em Nguyễn Văn Nam (SN 2005), K20 Khoa Âm nhạc - Múa cho biết: So với âm nhạc phương Tây mà chúng em học, các loại nhạc cụ dân tộc có rất nhiều khác biệt. Mới tiếp xúc môn học này thật sự khó, vì cách sắp xếp các nốt nhạc trong các nhạc cụ dân gian làm bằng tre, nứa này không theo quy chuẩn nhất định. Nhưng khi học rồi em lại thấy rất hấp dẫn và thích thú.
"Trong quá trình học, em đã tham gia biểu diễn với các nghệ sĩ Đoàn ca múa dân tộc tiếp tục được đào tạo. Dự kiến ra trường em được Đoàn ký hợp đồng lao động chính thức. “Em có thể biểu diễn nhiều bản nhạc và phối hợp với các đội âm nhạc khác nhau để biểu diễn nhạc cụ truyền thống các dân tộc Tây Nguyên”, chia sẻ.
Đưa âm nhạc dân gian Tây Nguyên vào chương trình giảng dạy, đã mở ra cơ hội để sinh viên tiếp cận, học hỏi, truyền bá giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên. Đồng thời, giáo dục trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Thầy Hoàng Quốc Khách, Trưởng Khoa Âm nhạc - Múa, Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Đắk Lắk chia sẻ: Đã từ lâu, Khoa đã có ý tưởng đưa nhạc cụ truyền thống các dân tộc Tây Nguyên vào chương trình giảng dạy. Khoa đã nhờ các chuyên gia, nghệ nhân, nghệ sĩ có tiếng trong lĩnh vực âm nhạc dân gian soạn thảo giáo trình.
Thời gian đầu đưa âm nhạc dân gian Tây Nguyên vào chương trình đào tạo, nhà trường gặp không ít khó khăn về phòng học, nhạc cụ, đặc biệt là việc tuyển dụng, đào tạo giảng viên và xây dựng hệ thống chương trình học cả lý thuyết lẫn thực hành. Tuy nhiên, nhà trường đã rất quyết tâm, nỗ lực đưa môn học vào chương trình học từ khóa K20. Điều đáng mừng là kết thúc chương trình, hầu hết các em hoàn thành rất tốt môn học, thực hành biểu diễn báo cáo hết học phần các em làm rất tốt.
Mong muốn lớn nhất của Khoa, là đào tạo thế hệ hạt nhân âm nhạc người DTTS. Sắp tới, khoa xin tăng tiết từ 30 tiết thực hành lên 60 tiết để các em tiếp học sâu hơn, có khả năng biểu diễn chuyên nghiệp. Trong tương lai, Khoa cũng dự định xin mở mã ngành biểu diễn nhạc cụ dân gian Tây Nguyên để đào tạo nguồn nhân lực chính quy. Để làm được điều đó, Khoa tiếp tục tìm, mời những chuyên gia, nghệ sĩ, nghệ nhân giỏi trong lĩnh vực âm nhạc dân gian để soạn thảo giáo trình phù hợp.
Một số sinh viên được tham gia biểu diễn phục vụ một số chương trình trong tỉnh như Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8; Đài Phát thanh -Truyền hình tỉnh Đắk Lắk mời biểu diễn trong chương trình “Liên hoan Phát thanh truyền hình lần thứ XIV năm 2023”; đi giao lưu ngoại tỉnh như giao lưu văn hóa 5 tỉnh Tây Nguyên, Phú Yên,…
Để đạt được kết quả như vậy, ngoài sự hướng dẫn tận tình của giảng viên, bản thân sinh viên cũng phải vận dụng kiến thức về âm nhạc trong quá trình thực hành.