Lần đầu tiên ra mắt công chúng vào năm 1955, âm nhạc Tây Nguyên đã khiến người yêu nhạc sửng sốt bởi tiết tấu rộn ràng và vẻ đẹp mượt mà của giai điệu với những ca khúc như “Ơ Miết Man” (dân ca Gia Rai), “Chim Jil đi tắm” (dân ca Xơ Đăng) mang nhịp điệu tung tăng như gió sớm, hay “Ơ chim Ktiă” (dân ca Ê Đê) mềm mại, rủ rỉ như lời tự sự…
Cũng từ sự lạ và đẹp đó, chất liệu âm nhạc dân gian Tây Nguyên tiếp tục được các nhạc sĩ chuyên nghiệp khai thác, làm nên những tác phẩm âm nhạc sống mãi cùng thời gian. Từ những ca khúc “Tiếng hát xứ Mnông Tibri” (Nhật Lai), “Ca ngợi Anh hùng Núp” (Trần Quý) tới các tác phẩm nhạc không lời như nhạc múa “Rông chiêng” (Nhật Lai), nhạc múa “Ca Tu” (Xuân Hòa)… Sau này, những ca khúc ngân mãi với thời gian như “Em là hoa Plang” (Đức Minh), “Cô gái vót chông” (Hoàng Hiệp - Y Cla Vi), “Bóng cây Knia” (Phan Huỳnh Điểu - Ngọc Anh), “Bác Hồ sống mãi với Tây Nguyên” (Lê Lôi - Kpă Y Lăng)… đã mở ra một “chương” riêng cho âm nhạc Tây Nguyên song hành suốt chiều dài phát triển cùng đất nước.
Nói về chặng đường hình thành, khẳng định vị trí riêng của âm nhạc Tây Nguyên trong nền âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Linh Nga Niê Kđăm không quên nhắc đến thời điểm khó khăn của âm nhạc Tây Nguyên trước năm 1975. Khi đó ở miền Bắc chỉ có 3 tác giả người DTTS ở Tây Nguyên là Kpă Púi, Rchom Yơn, Kpă Y Lăng. Nội dung các tác phẩm, kể cả sáng tác ở miền Bắc hay miền Nam, gần như đều lấy đề tài ca ngợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước anh dũng của Nhân dân, với tiết tấu luôn vui tươi, rộn ràng; rất ít tác phẩm phát huy giai điệu mượt mà, trữ tình của âm nhạc Tây Nguyên.
Mãi đến năm 1980, tiếp cận, thấu cảm được âm nhạc dân gian Ê Đê, nhạc sĩ Nguyễn Cường cho ra đời hàng loạt tác phẩm bằng chất liệu dân nhạc Ê Đê, khiến âm nhạc cả nước như được đón một làn gió mới; đồng thời, cũng làm thay đổi quan niệm sáng tạo của nhiều nhạc sĩ về Tây Nguyên, trong đó có các nhạc sĩ hoạt động ngay tại các tỉnh cao nguyên, nhất là các nhạc sĩ người DTTS tại chỗ.
Trải qua thời gian, nhiều thế hệ ca sĩ, nhạc sĩ các dân tộc người Tây Nguyên lần lượt xuất hiện, đã lưu được dấu ấn sáng tác của mình trong giới âm nhạc chuyên nghiệp và trong lòng công chúng yêu nghệ thuật. Họ đã đồng hành cùng đội ngũ các nhạc sĩ Việt Nam làm nên vẻ đẹp của âm nhạc cách mạng để ca ngợi quê hương, tình yêu con người và mảnh đất bazan đầy nắng gió…
Thế nhưng, nhìn vào thực tế, ở một góc khuất nào đó, âm nhạc Tây Nguyên vẫn còn là một vùng đất màu mỡ chưa được khai thác hết. Nhạc sĩ Lê Xuân Hoan, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai cho biết, qua hoạt động thực tiễn trên lĩnh vực âm nhạc gần 30 năm ở Tây Nguyên, nhạc sĩ nhận thấy, đội ngũ những người hoạt động trên lĩnh vực âm nhạc dân tộc Tây Nguyên quá thiếu và yếu. “Hiện nay, tìm người có bằng đại học, cao đẳng âm nhạc ở Tây Nguyên không khó như những năm 80, 90 của thế kỷ trước, nhưng tìm được một người thực sự sống chết với âm nhạc dân tộc, thì chẳng khác gì lặn biển tìm kim”, nhạc sĩ Lê Xuân Hoan chia sẻ.
Để âm nhạc dân gian Tây Nguyên tiếp tục phát triển, tỏa sáng trong nền âm nhạc Việt Nam, thiết nghĩ, ngoài yếu tố cần có những người tâm huyết, say mê, trăn trở với vùng đất Tây Nguyên, để có thể tìm tòi, sáng tác thêm được những tác phẩm hay từ vùng đất màu mỡ này thì các địa phương, cơ quan chuyên ngành cần có giải pháp về cơ chế, chính sách đặc thù khuyến khích các nghệ sĩ, nhạc sĩ, người làm văn hóa có thêm điều kiện phát huy khả năng sáng tác…
Để âm nhạc dân gian Tây Nguyên tiếp tục phát triển, tỏa sáng trong nền âm nhạc Việt Nam, thiết nghĩ, ngoài yếu tố cần có những người tâm huyết, say mê, trăn trở với vùng đất Tây Nguyên, để có thể tìm tòi, sáng tác thêm được những tác phẩm hay từ vùng đất màu mỡ này thì các địa phương, cơ quan chuyên ngành cần có giải pháp về cơ chế, chính sách đặc thù khuyến khích các nghệ sĩ, nhạc sĩ, người làm văn hóa có thêm điều kiện phát huy khả năng sáng tác…