Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống có từ lâu đời của đồng bào Mông. Mỗi sản phẩm thổ cẩm có hoa văn độc đáo, phong phú, thể hiện bản sắc và tâm hồn của người thợ dệt. Để những giá trị văn hóa truyền thống của nghề dệt thổ cẩm được sống mãi với thời gian, tại xã Nà Bủng huyện biên giới Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên, có một người phụ nữ Mông với niềm say mê với trang phục truyền thống mà chị vẫn ngày ngày miệt mài cùng các chị em trong bản giữ gìn, phát triển nghề dệt may thổ cẩm, vừa để gìn giữ nghề truyền thống, vừa để tạo sinh kế cho các chị em trong những ngày nông nhàn.
Lặng lẽ, tỉ mẩn in từng nét sáp ong lên mặt vải dệt bằng sợi lanh, chị Tráng Thị Cầu thường dành cả ngày để chuẩn bị cho công đoạn đầu tiên để dệt nên một tấm thổ cẩm. Ở vùng biên giới Nậm Pồ xa xôi này có rất đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Nhận thấy bà con dân bản đều mặc trang phục chủ yếu mua từ nơi khác về, chị Tráng Thị Cầu đau đáu khi thấy nghề dệt may truyền thống của dân tộc mình có nguy cơ mất đi.
Chị Tráng Thị Cầu cho biết: Để dệt được một chiếc váy hay áo thì mất nhiều thời gian, nên nhiều người không muốn làm. Ban đầu thì mình tự làm, với một chiếc máy khâu ban đầu, rồi sau đó mình đăng lên zalo, facebook, có người đặt hàng, mình đã vận động những chị em phụ nữ khác trong bản cùng làm.
Các đơn hàng trong nước và nước ngoài đặt đều đặn hơn. Với sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Nậm Pồ và xã Nà Bủng, chị Tráng Thị Cầu mạnh dạn cùng chị em lập nên tổ thêu may truyền thống. Đến nay, tại xã đã có 2 mô hình phụ nữ thêu may trang phục dân tộc Mông bản Nà Bủng 1 và mô hình nghề thêu chân váy bản Pá Kha, với 70 hội viên tham gia.
Mỗi bộ trang phục tùy kiểu dáng, kích thước sẽ có giá 2 - 4 triệu đồng. Trung bình mỗi năm mang lại thu nhập cho các hội viên khoảng 30 - 50 triệu đồng, vừa duy trì mô hình, chị Cầu và các chị em trong tổ còn đẩy mạnh quảng bá, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ ở trong và ngoài nước. Từ tình yêu đối với trang phụ truyền thống, chị Tráng Thị Cầu đã lan tỏa tới các chị em khác, gìn giữ để những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình không bị mai một theo thời gian.
Ông Lê Khánh Hòa, Bí thư Huyện ủy Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên cho biết: Từ các mô hình tổ thêu của Nà Bủng thì trong thời gian tới huyện sẽ tiếp tục nghiên cứu phát triển những mô hình như này ở các bản Thái, Dao, Cống để làm sao hỗ trợ người dân nâng cao đời sống, xoá nghèo.
Các sản phẩm được làm từ thổ cẩm không chỉ phục vụ đời sống sinh hoạt của đồng bào DTTS mà còn đem đến lợi ích kinh tế khi là sản phẩm hàng hóa được định hướng gắn với việc phát triển du lịch của địa phương. Qua đó, tạo động lực cho nghề dệt thủ công truyền thống, góp phần nâng cao thu nhập cho đồng bào DTTS.
Ngoài những hoa văn truyền thống, các sản phẩm dệt của người Ba Na hiện nay đã có nhiều sự sáng tạo với những hoa văn, màu sắc mới được kết hợp khéo léo. Vì vậy nó không những không làm mất đi những giá trị truyền thống mà còn tạo ra sự phù hợp thị trường, thị hiếu khách hàng, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm. Tại làng Kon Klor, phường Thắng Lợi, Tp. Kon Tum, tỉnh Kon Tum, chị Y Thoai vẫn đang miệt mài gìn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào mình.
Chị Y Thoai cho biết: Cơ sở của chúng tôi cũng đã nỗ lực mấy chục năm rồi, bây giờ cũng cố gắng tiếp tục duy trì, lưu giữ để cho không mai một, thứ hai nữa là chúng tôi muốn truyền lại cho thế hệ sau, những người trẻ tuổi hơn để cho họ biết văn hóa của mình nó có giá trị.
Hiện nay, nghề dệt thủ công truyền thống của dân tộc Ba Na tỉnh Kon Tum còn duy trì và thực hành trong các thôn làng tại các huyện: Sa Thầy, Kon Rẫy, Đăk Hà và Tp. Kon Tum. Đặc biệt nghề dệt thủ công truyền thống phát triển mạnh, tạo thành những tổ hợp dệt để phát triển kinh tế gia đình, như Tổ hợp tác dệt thổ cẩm ở xã Ia Chim (Tp. Kon Tum) trên 30 thành viên tham gia; Tổ liên kết nhà dệt thổ cẩm ở làng Plei Tơ Nghia, phường Quang Trung (Tp. Kon Tum) có 16 thành viên…
Ông Phan Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Kon Tum, cho biết: Thời gian tới, tỉnh Kon Tum khuyến khích người dân trồng bông, sử dụng nguồn nguyên liệu truyền thống; có chính sách hỗ trợ để cải tiến khung dệt, giúp người sản xuất tiếp cận kỹ thuật mới để nâng cao năng xuất và chất lượng của sản phẩm dệt, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng, từ đó góp phần nâng cao thu nhập, ổn định sinh kế.
Triển khai Dự án 6 về "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tôc thiểu số gắn với phát triển du lịch" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 sẽ tiếp thêm động lực, mang đến những cơ hội mới để đồng bào DTTS bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; đồng thời khai thác tiềm năng văn hóa, phát triển du lịch, biến giá trị văn hóa thành nguồn lực để phát triển.