Trong chuyến đi trở lại xứ Huế mộng mơ những ngày tháng 2 vừa qua, chúng tôi được người dân nơi đây giới thiệu cho nghe một điểm đến mới lạ nhưng lại rất nổi tiếng trong thời gian qua. Đó là phim trường trong bộ phim “Mắt biếc” của đạo diễn Victor Vũ, được công chiếu tại rạp hồi tháng 12/2019.
Địa điểm phim trường nằm ở làng Hà Cảng, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Vốn là một ngôi làng bình yên như bao làng quê khác, nhưng qua những hình ảnh sống động trong phim, làng Hà Cảng đẹp đến nao lòng khiến nhiều khách du lịch ghé thăm khi đặt chân tới Huế.
Có lẽ, với phim trường “Mắt biếc”, Thừa Thiên - Huế có thêm một điểm du lịch bên cạnh những đền đài, di tích, lăng tẩm. Việc khai thác sức hút của bối cảnh phim “Mắt biếc” để xây dựng tour thăm quan trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế là điều hoàn toàn có thể làm được trong thời điểm hiện tại.
Nhìn vào thực tế, phim trường “Mắt biếc” không phải trường hợp đầu tiên có địa điểm quay phim trở nên nổi tiếng, thành điểm thăm quan du lịch. Cách đây gần 3 năm, tháng 3/2017, một bộ phim bom tấn của Hollywood “Kong: Skull Island” được quay tại khu danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình. Sau khi bộ phim ra mắt, khu Danh thắng Tràng An được nhiều người trên thế giới biết đến. Sau hiệu ứng tích cực đó, Ban Quản lý Khu du lịch Tràng An đã phục dựng nguyên mẫu bối cảnh xuất hiện trong bộ phim. Với hướng đi này, phim trường “Kong: Skull Island” tại Tràng An, Ninh Bình cũng trở thành một địa chỉ quen thuộc của khách du lịch.
Sau hai năm khai thác, tháng 9/2019, phim trường “Kong: Skull Island” được tháo dỡ. Ngoài nguồn lợi về tiền bạc thì địa phương cũng đã được rất nhiều du khách biết đến về một phim trường nằm trong một quần thể là di sản văn hóa.
Không sai nếu nói rằng phim trường “Kong: Skull Island” là một trong những hiệu ứng truyền thống tiêu biểu nhất cho việc tận dụng điện ảnh để phát triển du lịch.
Ngược vùng Tây Bắc, về với mảnh đất Hà Giang địa đầu Tổ quốc, với nhiều người, hình ảnh ngôi nhà của Pao trong bộ phim” Chuyện của Pao” được sản xuất từ năm 2006 của đạo diễn Ngô Quang Hải cũng đã trở nên rất quen thuộc. Ngôi nhà nằm ở xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.
Phim kể về hành trình đi tìm mẹ của Pao - cô gái người Mông. Bộ phim đoạt giải Cánh Diều Vàng không chỉ bởi nội dung mà những cảnh trong phim là bữa tiệc thị giác đầy chất thơ giữa khung cảnh hùng vĩ nơi núi rừng Cao nguyên đá Hà Giang. Sau khi bộ phim được công chiếu, đã có rất nhiều đoàn khách du lịch đến Hà Giang để được trực tiếp thăm quan những địa điểm trong bộ phim.
Từ những câu chuyện trên thấy rằng, một tác phẩm điện ảnh nổi tiếng ngoài giá trị nghệ thuật, nó còn được gắn kết với địa điểm đã được đưa vào phim và trở thành địa danh của điện ảnh và du lịch.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu từng cho rằng, du lịch theo phim ảnh tuy không phải là loại hình du lịch mới tại Việt Nam nhưng vẫn chưa được khai thác đúng và phù hợp. Với tiềm năng to lớn từ danh lam thắng cảnh, ngành Điện ảnh nước nhà và quốc tế sẽ là kênh quảng bá hiệu quả cho du lịch Việt Nam trong bối cảnh hội nhập. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ là điểm đến của các nhà sản xuất quốc tế nhờ vào các lợi thế về tự nhiên và con người. Kinh nghiệm quảng bá được tích lũy trong thời gian qua sẽ giúp Việt Nam phát huy hơn nữa chiến lược du lịch theo phim ảnh. Để làm được điều này, cần có sự quan tâm và đầu tư đúng đắn, có chiến lược từ các cấp quản lý; sự nhạy bén, sáng tạo của doanh nghiệp du lịch và sự hợp tác của các nhà sản xuất phim trong và ngoài nước.