Thay nếp nghĩ, đổi cuộc đời
Homestay Minh Thơ của gia đình anh Hà Công Minh, xã Mai Hịch, huyện Mai Châu (Hoà Bình) là một điển hình về hiệu quả của du lịch cộng đồng. Những giá trị văn hóa đặc trưng truyền thống của người Thái, từ ẩm thực, nghệ thuật, nghề truyền thống… được gắn với dịch vụ ở đây. Đặc biệt, cơ sở đã liên kết với các nhóm dịch vụ khác trên địa bàn xã như: đạp xe, chèo bè mảng, trecking … đã tạo ra những trải nghiệm đặc biệt cho du khách.
Điều đó đã khiến cơ sở này trở thành một điểm đến ấn tượng của khách thăm quan, đặc biệt là khách quốc tế đến từ Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Hà Lan… Nhờ thay đổi tư duy trong cách làm du lịch, lợi nhuận sau khi trừ chi phí của cơ sở đạt 250 triệu đồng/năm.
Hoà Bình là một điểm sáng phát triển du lịch cộng đồng. Theo thống kê của tổng cục du lịch, trong 9 tháng đầu năm 2019, Hòa Bình ước đón 2.500.000 lượt khách, trong đó, khách quốc tế đạt 290.000 lượt, khách nội địa đạt 2.210.000 lượt; tổng thu từ khách du lịch là 1.650 tỷ đồng.
Giống như Hoà Bình, nhiều tỉnh, đặc biệt là các tỉnh miền núi phía Bắc nơi có đông đồng bào DTTS sinh sống đang ngày càng ghi điểm trên bản đồ du lịch Việt Nam với loại hình du lịch cộng đồng. Ở Sa Pa (Lào Cai), các điểm du lịch cộng đồng được ghi nhận có tốc độ xóa đói, giảm nghèo nhanh gấp ba lần so với các thôn, bản không có du lịch cộng đồng…
Chẳng hạn, bản Khun Há (Lai Châu) được mệnh danh là vườn địa đàng với hàng nghìn giò hoa lan khoe sắc. Ở đây, những ngôi nhà của đồng bào Mông đều được gắn số nhà, ghi tên và cả số điện thoại di động lên cổng. Dọc đường đều có các cột thép nhỏ dựng cao làm đèn thắp sáng và treo hoa, có các sọt đựng rác, các biển đánh số đường ở những ngã ba, ngã tư, thi thoảng lại có những nhà vệ sinh công cộng ở bên đường, được dựng kín đáo dưới giàn hoa.
Không hề quá khi đánh giá ngày càng nhiều mô hình du lịch đang hoàn thiện mình trở nên đẹp đẽ, độc đáo đến kinh ngạc, không thua kém các homestay của Thái Lan, Malaysia, Singapore.
Đặt chân đến những điểm du lịch theo mô hình này ở Cao Bằng, Bắc Kạn, Yên Bái, Nghệ An,… ta mới cảm nhận được một luồng gió mới của vùng đồng bào DTTS. Không chỉ giữ gìn cảnh quan, gắn du lịch với bảo tồn văn hoá truyền thống, họ đã thay đổi tư duy khi tự học ngoại ngữ để làm hướng dẫn viên, nâng cao kỹ năng phục vụ. Hầu hết bắt đầu sử dụng công nghệ để quảng cáo du lịch qua mạng xã hội. Đó là một chỉ dấu đáng mừng cho ngành công nghiệp không khói ở vùng đồng bào DTTS.
Biến di sản thành tài sản
Việt Nam đang sở hữu một “mỏ vàng” đúng nghĩa khi được thiên nhiên ưu đãi những cảnh sắc có một không hai cùng với những phong tục, văn hoá truyền thống mang bản sắc riêng của cộng đồng 54 dân tộc anh em.
Kênh truyền hình nổi tiếng thế giới CNN đã bình chọn những trải nghiệm đáng thử nhất tại Việt Nam như phượt bằng xe máy các tỉnh Tây Bắc, khám phá hang Sơn Đoong hay uống trà ở Sa Pa,…
Việt Nam cũng dành giải thưởng quan trọng trong Giải thưởng Du lịch Thế giới lần thứ 26 (World Travel Awards) dành cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2019 như: Điểm đến hàng đầu châu Á 2019, Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á 2019, Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á 2019.
Trong thời đại 4.0 như ngày nay, bằng một thao tác nhanh khi gõ “du lịch cộng đồng” trên công cụ tìm kiếm Google, chỉ trong 0,67s đã cho ra gần 200 triệu kết quả. Đó không chỉ là thông tin về chỉ dẫn địa lý, du lịch mà còn là quảng bá, tin tức được cập nhật từng ngày, từng giờ về những điểm du lịch. Bắt kịp xu thế phát triển với các loại hình du lịch, bây giờ sẽ rất dễ dàng để một khách du lịch được tư vấn, đặt trước trực tuyến các dịch vụ ăn, nghỉ, vui chơi tại các điểm đến nổi tiếng vùng cao như Mù Cang Chải, Hoàng Su Phì, Sa Pa, …
Xu hướng 3 cùng, “cùng ăn, cùng ở, cùng lao động” với người dân địa phương đã nở rộ nhiều năm nay và cũng là xu thế của nhiều nước trên thế giới. Mô hình du lịch cộng đồng tạo điều kiện cho du khách sống cuộc sống của người dân địa phương với những trải nghiệm phong phú.
Đây có thể coi là một sản phẩm du lịch hoàn chỉnh bởi nó xoay quanh trục văn hoá, từ ẩm thực, phong tục tập quán đến các nghề thủ công truyền thống. Đồng bào có vai trò chủ yếu và được phát huy lợi thế tối đa của mình. Bởi thế, du lịch trở thành nguồn sinh kế bền vững cho đồng bào, thúc đẩy mọi lĩnh vực khác cùng phát triển, trở thành nguồn lực kinh tế chính cho mỗi địa phương.
Để du lịch cộng đồng cất cánh, ngày càng hấp dẫn, có sức cạnh tranh cao trong khu vực thì cần coi di sản văn hoá chúng ta đang sở hữu là hướng trọng tâm có tính chất chìa khóa để mở đường đi tới mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Điều này đòi hỏi các bên cùng hành động, có những giải pháp hữu hiệu để du lịch phát triển bền vững.