Để trở thành bạn tồng, không nhất thiết người còn lại là người dân tộc Tày. Họ có thể là một người ở vùng khác, dân tộc khác, nhưng hai người muốn nhận nhau là anh em, bạn bè thì chỉ cần tổ chức một buổi lễ “kết tồng” là được.
Ông Nguyễn Văn Dự, dân tộc Tày, thôn Nà Mèn, xã Lăng Can (Lâm Bình) cho biết, ông đã kết tồng với ông Chúc Tài Xuân, thôn Phai Tre B được hơn chục năm nay trước sự công nhận của ông bà, cha mẹ, anh chị em và người thân. Ông Xuân là người dân tộc Dao, trước đây sinh sống ở thôn Nà Xe, xã Phúc Yên, sau này di dân về thôn Phai Tre B, xã Lăng Can theo chương trình tái định cư thủy điện Tuyên Quang. Sau lễ kết tồng, các con của ông Dự gọi ông Xuân là bố tồng và các con của ông Xuân cũng gọi ông Dự là bố tồng. Anh em của ông Dự, ông Xuân coi nhau như người nhà. Mỗi khi có việc hiếu, hỷ hay lễ, tết hoặc bất cứ việc trọng đại của hai gia đình thì ông Dự và ông Xuân đều có mặt.
Tuy nhiên, chỉ có “kết tồng” giữa nam với nam, nữ với nữ chứ không có bạn tồng giữa nam và nữ. Mỗi người dân tộc Tày, nếu kết bạn tồng thì chỉ với một hoặc hai người, rất ít người có ba bạn tồng. Cũng giống như bạn tri kỷ, bạn tồng là những người luôn có nhau cả những lúc khốn khó và cả khi thành công.
Anh Nông Văn Truyền, dân tộc Tày ở xã Thanh Tương (Na Hang) chia sẻ, anh đi lao động nước ngoài đã được 5 năm nay. Mọi việc lớn, nhỏ trong gia đình anh đều nhờ vào người tồng từ thời phổ thông là anh Ma Văn Dũng, ở thị trấn Na Hang. Giờ anh Dũng là thành viên không thể thiếu trong gia đình anh Truyền.
Có thể nói rằng, việc “kết tồng” của người dân tộc Tày mang ý nghĩa cao đẹp, thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái giữa con người với nhau. Cho dù đến đời sau, mối quan hệ tình cảm thân thiết của những người bạn tồng của thế hệ đi trước vẫn được lưu giữ trong con cháu với tình cảm gắn bó và bền chặt.