Vận dụng cơ chế đặc thù và lồng ghép nguồn vốn thực hiện
Trong hai năm 2022 – 2023 thực hiện Chương trình MTQG 1719, huyện Đakrông được phân bổ kế hoạch vốn đầu tư phát triển là 130,805 tỷ đồng và vốn sự nghiệp là 78,173 tỷ đồng. Từ các nguồn vốn được phân bổ, huyện đã áp dụng cơ chế đặc thù để thực hiện 62/101 dự án, chiếm tỷ lệ 61,38%.
Bên cạnh đó, địa phương cũng đã huy động lồng ghép các nguồn vốn từ nguồn ngân sách nhà nước, vốn tín dụng, vốn doanh nghiệp, vốn từ cộng đồng dân cư kết hợp nguồn vốn đối ứng để thực hiện Chương trình MTQG 1719. Nhờ đó, tiến độ thực hiện mục tiêu của Chương trình MTQG 1719 ở huyện Đakrông là rất khả quan.
Trong việc triển khai Dự án 1 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; đến nay, địa phương đã hoàn thành rà soát, và ban hành quyết định phê duyệt danh sách cho 190 hộ thụ hướng chính sách đất ở, 201 hộ thụ hưởng chính sách nhà ở, hoàn thành hỗ trợ nước sinh hoạt phân toán cho 100 hộ hưởng lợi tại các xã A Bung (60 hộ) và Đakrông (40 hộ); xây dựng 6 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung.
Đối với Dự án 2 về quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư theo hình thức xen ghép và ổn định tại chỗ; hiện nay địa phương đang triển khai các bước quy trình liên quan để tổ chức bố trí ổn định dân cư cho 51 hộ gia đình đến khu định canh định cư xã Tà Rụt. Song song là việc triển khai bố trí định canh, định cư tập trung cho 4 xã Hướng Hiệp, Tà Long, Ba Nang và A Vao.
Thực hiện Dự án 5 về phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đơn vị đã phối hợp tổ chức đào tạo sơ cấp nghề và đào tạo nghề thường xuyên dưới 3 tháng cho 10 lớp nghề, với 194 học viên. Cùng với đó, là tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp, học nghề, việc làm tại 11 xã đặc biệt khó khăn cho 305 lượt người tham gia.
Việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch theo Dự án 6, huyện Đakrông đã thực hiện hỗ trợ kinh phí cho 3 nghệ nhân ưu tú người DTTS lưu truyền văn hóa truyền thống, 2 đội văn nghệ truyền thống, trang thiết bị nhà văn hóa thôn cho 12 thôn.
Tổ chức thực hiện Dự án 7 về vấn đề bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đổi với phụ nữ và trẻ em; đã có 3 tổ truyền thông cộng đồng được thành lập; 3 đợt truyền thông về bình đẳng giới tại 3 xã A Vao, A Bung, Húc Nghỉ cũng đã được tổ chức.
Ngoài ra, cũng đã có 2 mô hình địa chỉ tin cậy tại cộng đồng với 4 chủ địa chỉ, 3 mô hình câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” cũng đã được thành lập ở các xã và trường học.
Cùng với việc mở 7 lớp kỹ năng truyền thông, nâng cao năng lực truyền thông cho cán bộ xã, thôn với 90 học viên, phát 70 bản tin tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên hệ thống phát thanh 5 xã (A Ngo, A Bung, A Vao, Tà Rụt, Húc Nghỉ), với 29 nội dung; tổ chức Hội thi “Tảo hôn nỗi lo không của riêng ai”, tại 13 xã thị trấn theo Dự án 9; huyện Đakrông cũng đã đẩy mạnh hoạt động truyền thông, vận động trong vùng đồng bào DTTS&MN tại 13 xã, thị trấn gắn với trợ giúp pháp lý tại 3 trường bán trú, thu hút 884 lượt người tham gia.
Thách thức không nhỏ
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều vướng mắc, tồn tại trong quá trình thực hiện làm ảnh hưởng đến tiến độ các dự án, tiểu dự án. Nếu không kịp thời tháo gỡ những khó khăn, thì rất khó hoàn thành theo kế hoạch.
Khó khăn lớn nhất đến từ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng để triển khai các phần việc của các dự án, tiểu dự án. Thực tế cho thấy, huyện Đakrông có diện tích các loại rừng rất lớn, nên khi triển khai các dự án đã vướng.
Cụ thể, đường ra khu sản xuất thôn Ra Ró và thôn Tân Đi 3 (xã A Vao), đường giao thông nội đồng thôn Chân Rỏ và thôn Ta Lềng (xã Đakrông), quảng trường văn hóa truyền thống các dân tộc Vân Kiều - Pa Cô thị trấn Krông Klang.
Đáng quan tâm, việc triển khai một số dự án di dân khẩn cấp vùng sạt lỡ đất xã Húc Nghì; các dự án Định canh định cư tại các xã Ba Nang, Hướng Hiệp, Tà Long, A Vao; dự án hỗ trợ đầu tư bảo tồn làng, bản văn hóa truyền thống tiêu biểu của các DTTS thôn Làng Cát xã Đakrông… phải qua nhiều bước, phải lập quy hoạch chi tiết trước khi triển khai nên mất nhiều thời gian. Trong khi đó, kế hoạch sử dụng đất phê duyệt muộn nên ảnh hưởng đến công tác chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giải phóng mặt bằng.
Hiện nay, quá trình thực hiện hỗ trợ đất ở, đất sản xuất đang vướng mắc nhiều. Quỹ đất trống để tạo mặt bằng đất ở, khai hoang, phục hóa đất sản xuất trên địa bàn các xã, thị trấn không còn. Vì vậy không thể thực hiện công tác tạo mặt bằng, hoặc khai hoang phục hóa đất sản xuất giao cho hộ hưởng lợi.
Chưa kể, nhiều diện tích đất ở nhỏ hẹp, lối đi “mượn” trên đất hộ khác hoặc lối đi nhỏ hẹp nên khi trích đo lên bản đồ địa chính không thể hiện đường đi, nên không đủ điều kiện giao đất hoặc tách thửa theo quy định. Thậm chí, một số thửa do sai sót từ công tác đo đạc từ các năm trước, dẫn tới tình trạng đất hộ này nhưng tên của hộ khác, hoặc đất sau khi đo đạc lại thì lại là đất của rừng phòng hộ các xã A Vao, Tà Long, Ba Nang…
Lãnh đạo huyện Đakrông thừa nhận: Do gặp khó khăn trong quá trình triển khai, vì vậy không thể giải ngân hết nguồn vốn được phân bổ. Cũng theo lãnh đạo huyện này, đối với nguồn vốn kéo dài, địa phương đã chủ động điều chỉnh sang hạng mục nhà ở và nước sinh hoạt để tránh mất vốn.
Cụ thể đối với kế hoạch vốn năm 2022, đã điều chỉnh giảm 36/133 hộ hỗ trợ đất ở, tăng 46 nhà ở. Đối với nguồn vốn 2023 dự kiến chỉ giải ngân 29/57 hộ hỗ trợ đất ở, số còn lại để xuất kéo dài sang năm 2024 để tiếp tục thực hiện.
UBND huyện cũng đã chủ động điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2022, giảm 20/20 hộ hỗ trợ đất sản xuất phân bổ cho công trình cấp nước sinh hoạt; đối với kế hoạch vốn 2023, dự kiến giải ngân 0/44 hộ, đề xuất kéo dài sang năm 2024 để triển khai.
Riêng với nguồn vốn sự nghiệp, hiện nay, bộ tài liệu đào tạo để triển khai nâng cao năng lực cho cán bộ thực hiện Chương trình MTQG 1719 theo tiểu dự án 4 của Dự án 5 vẫn chưa được ban hành nên chưa thể triển khai được. Bên cạnh đó, thực hiện tiểu dự án 1 của Dự án 9 về đầu tư phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn; theo quy định là cho vay có thu hồi vốn. Nhưng, chưa có hướng dẫn triển khai cụ thể nên nguồn vốn chưa thể phân bổ chi tiết.
Để triển khai Chương trình MTQG 1719 đảm bảo tiến độ, huyện Đakrông đề nghị các cơ quan cấp tỉnh xem xét đơn giản hóa các quy trình, thủ tục thực hiện dự án; xem xét chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và phương án trồng rừng thay thế nhằm rút ngắn thời gian thực hiện; xem xét điều chỉnh đơn giá bồi thường, GPMB theo khung giá thị trường; hướng dẫn quy trình triển khai nguồn vốn vay của Dự án 9…