Đổi mới chưa đồng bộ
Mặc dù đã đạt được nhiều thành tích quan trọng trong công tác đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo. Nhưng trong 10 năm qua, việc thể chế hóa Nghị quyết 29-NQ/TW còn chậm, thiếu tính đồng bộ và liên thông giữa các chính sách liên quan với các chính sách mới về giáo dục và đào tạo; thiếu các cơ chế, chính sách ưu tiên cho giáo dục và đào tạo, chưa thể hiện được quan điểm “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”.
Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo còn hạn chế; cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục chưa được tham gia nhiều trong việc thẩm định, phân bổ kinh phí và tuyển dụng viên chức, bổ nhiệm viên chức quản lý trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo; việc thực hiện tự chủ trong các cơ sở giáo dục, đào tạo còn gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT thừa nhận: Mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông có nơi phân bố chưa hợp lý, còn tình trạng thiếu trường, lớp giáo viên. Việc Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi hoàn thành chậm tiến độ 2 năm, chưa hoàn thành được mục tiêu miễn học phí cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi trước năm 2020. Đặc biệt là việc triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới còn gặp nhiều khó khăn; chưa hoàn thành mục tiêu thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm từ sau năm 2020.
Cơ cấu, số lượng đội ngũ giáo viên còn bất cập. Vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; chất lượng đội ngũ chưa đồng đều giữa các vùng, miền. Chính sách, chế độ đãi ngộ còn bất cập, chưa hấp dẫn, khó thu hút, giữ chân đội ngũ giáo viên, nhất là nhân lực chất lượng cao ở các thành phố lớn hoặc các địa bàn khó khăn.
Cụ thể như tại Hà Giang, theo quy định, định mức giáo viên ở bậc học mầm non là 2,2 giáo viên/lớp, nhưng tỉnh Hà Giang hiện mới có 1,3 giáo viên/lớp; tiểu học mới có 1,31 giáo viên/lớp, cho nên việc thực hiện học hai buổi/ngày mới đạt 51,1%.
Để khắc phục tình trạng thừa, thiếu cục bộ tại các địa phương, Hà Giang đã phải bố trí giáo viên cấp THPT giảng dạy một số tiết ở các môn còn thiếu cấp THCS, giáo viên THCS dạy một số tiết ở các môn còn thiếu cấp tiểu học; phân công giáo viên dạy liên trường ở các trường gần nhau, giao thông thuận lợi, hợp đồng thỉnh giảng giáo viên đối với số lượng còn thiếu và chưa tuyển dụng.
Bên cạnh việc thiếu đội ngũ giáo viên, thì mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông có nơi phân bố chưa hợp lý, còn tình trạng thiếu trường, lớp ở các thành phố lớn, khu công nghiệp, khu vực đông dân cư và miền núi.
Ông Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết: Mặc dù môi trường giáo dục từng bước được cải thiện, chất lượng đào tạo được nâng cao. Tuy nhiên, cơ sở vật chất trường lớp học chưa đáp ứng được yêu cầu, còn nhiều điểm trường, lớp ghép, 730 điểm trường lẻ, 694 lớp ghép, thiết bị dạy học chưa được trang bị kịp thời, vẫn còn tình trạng thiếu 649 giáo viên so với định biên và 1029 giáo viên so với định mức quy định.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước hiện có hơn 37.600 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập, với tổng số hơn 606.000 phòng học. Tuy nhiên chỉ có hơn 571.000 phòng học được kiên cố hoá, đạt tỷ lệ 85% so với tổng số phòng học trên cả nước.
Cấp học mầm non có tỷ lệ phòng học kiên cố hoá thấp nhất, chỉ đạt hơn 79%. Tính theo từng vùng miền, miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ phòng học kiên cố hoá thấp nhất. Bên cạnh đó, còn có hiện tượng thiếu phòng học cục bộ tại các khu vực có mật độ dân cư cao, các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Bất cập trong thực hiện chương trình sách giáo khoa mới
Không chỉ thiếu giáo viên, trường lớp mà việc việc triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới còn gặp nhiều khó khăn. Thực hiện Chương trình GDPT mới và Luật Giáo dục 2019, có 3 bộ sách giáo khoa khác nhau được phê duyệt để dùng chính thức trong nhà trường phổ thông.
Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa”, là hướng đi đúng, để đa dạng hóa cách tiếp cận, mời gọi nhiều nhà khoa học, nhà giáo cùng viết sách, khuyến khích giáo viên chủ động tìm tòi, sáng tạo trong dạy học. Tuy nhiên, cũng bộc lộ những hạn chế gây khó khăn cho việc dạy và học tại cấp THPT. Vấn đề lựa chọn sách giáo khoa cũng có nhiều bất cập.
Theo cô Nguyễn Thị Phượng, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Sông Lô (tỉnh Tuyên Quang) cho rằng, qua thực tế qua quá trình nghiên cứu, lựa chọn sách giáo khoa của lớp 10 và 11, giáo viên nhận thấy, bên cạnh những sách phù hợp với học sinh, điều kiện của trường, cũng có sách không phù hợp.
Đặc biệt, chất lượng một số sách giáo khoa của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn hạn chế. Một số sách giáo khoa có nội dung chưa phù hợp với học sinh, còn khó, kiến thức nặng.
Việc có nhiều bộ sách giáo khoa tạo ra khó khăn trong khâu đặt hàng, bảo đảm cung ứng sách giáo khoa trước năm học mới. Sự khác biệt về nội dung, cấu trúc trong mỗi bộ sách gây khó khăn cho việc ra đề thi chung, học sinh chuyển trường phải mua lại sách giáo khoa, khó tiếp cận kiến thức.
Vào trung tuần tháng 8/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết giám sát chuyên đề về việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.
Theo báo cáo của đoàn giám sát, sách giáo khoa triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới được bảo đảm đầy đủ theo đúng lộ trình quy định. Nội dung sách giáo khoa cơ bản đã đáp ứng yêu cầu, được đổi mới theo hướng tinh giản, tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn.
Tuy nhiên, việc thẩm định, tiếp thu, chỉnh sửa một số sách giáo khoa chưa chặt chẽ dẫn tới chất lượng chưa bảo đảm, còn nhiều lỗi, nội dung thiếu chính xác, văn phong chưa chuẩn mực ở nhiều sách giáo khoa, nhất là với sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1, Khoa học tự nhiên lớp 6 và Lịch sử lớp 11. Vấn đề nổi cộm khác là giá sách giáo khoa theo chương trình mới tăng cao gấp 2-4 lần giá sách giáo khoa chương trình cũ.
Rõ ràng từ thực tế triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo thì bên cạnh những thành quả tích cực thì còn nhiều vướng mắc bất cập, đặc biệt là ở vùng DTTS và miền núi. Để công tác đổi mới đạt hiệu quả hơn nữa cần thêm những cơ chế chính sách để tạo đòn bẩy cho giáo dục phát triển.
Bà Nguyễn Thị Sửu, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Thừa Thiên Huế Thực cho rằng, để giáo dục miền núi, vùng DTTS phát triển thì các cấp, các ngành cần tăng nguồn đầu tư cho công tác phát triển giáo dục; có những chính sách đãi ngộ thu hút người giỏi đến công tác, cống hiến cho giáo dục miền núi.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu, xây dựng, ban hành chính sách pháp luật về giáo dục căn cốt, tổng thể, toàn diện để làm nền tảng pháp lý phát triển giáo dục và đào tạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong từng giai đoạn.