Đầu tư phát triển hệ thống trường lớp
Điện Biên là tỉnh miền núi có đông đồng bào DTTS, đời sống bà con còn nhiều khó khăn nên có một thời gian, việc học tập của con em đồng bào ở không ít địa phương, đặc biệt là cơ sở vùng sâu, vùng xa chưa được quan tâm chú trọng. Xác định rõ giáo dục và đào tạo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; cấp uỷ, chính quyền các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở đã quán triệt sâu sắc các quan điểm của Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (Nghị quyết 29).
Theo đó, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách để phát triển ngành giáo dục và đào tạo. Các cơ chế, chính sách, chương trình, kế hoạch, đề án theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học; đổi mới nội dung, đổi mới phương pháp dạy và học, đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá học sinh theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh; phát triển tư duy, sáng tạo, tích cực của học sinh, đảm bảo phát triển hài hòa “đức, trí, thể, mỹ” cho học sinh.
Ông Trần Đăng Khoa, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT huyện Điện Biên cho biết: Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết, nhà trường đã có sự phát triển vượt bậc. Quy mô trường lớp, chất lượng giáo dục nâng lên. Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị được bổ sung, nâng cấp, đáp ứng yêu cầu đổi mới dạy và học. Đội ngũ nhà giáo được chuẩn hoá, nâng cao chất lượng. Hàng năm, trên 60% học sinh của trường thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng.
Còn tại Lạng Sơn, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, các cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh đã nhận thức sâu sắc về ý nghĩa và tầm quan trọng công tác đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Cơ sở vật chất trang thiết bị đầu tư cho giáo dục ngày càng được quan tâm; hệ thống trường, lớp được quy hoạch, sắp xếp giảm số điểm trường, lớp ghép để tạo điều kiện thuận lợi tổ chức các hoạt động giáo dục. Toàn tỉnh hiện có 275 trường học đạt chuẩn quốc gia (chiếm 41,8%, vượt mục tiêu đề ra).
Theo ông Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29, hệ thống trường, lớp được quy hoạch, sắp xếp phù hợp, đáp ứng đầy đủ nhu cầu học tập của Nhân dân; cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư, bổ sung hàng năm, các điều kiện về đội ngũ, cơ sở vật chất, thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018, đảm bảo theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bằng các chương trình, Dự án của Nhà nước kết hợp với sự đầu tư của các địa phương, nhiều cơ sở giáo dục vùng đồng bào DTTS và miền núi đã được xây dựng khang trang, trang thiết bị tương đối đầy đủ. Tỷ lệ trường học, phòng học kiên cố ngày càng tăng, góp phần ổn định và phát triển quy mô giáo dục. Diện mạo cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông được thay đổi.
Đến nay, đã xóa bỏ được phần lớn phòng học 3 ca, phòng học tạm các loại; tạo điều kiện cho hàng triệu học sinh được ngồi học trong các phòng học kiên cố và giải quyết điều kiện chỗ ở cho hàng vạn giáo viên (đặc biệt các tỉnh miền núi phía Bắc, các huyện miền núi ở các tỉnh miền Trung, các tỉnh Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long).
Cơ sở vật chất, thiết bị trường học phục vụ hoạt động dạy và học của các cơ sở giáo dục vùng đồng bào DTTS và miền núi được quan tâm đầu tư, đã góp phần ổn định và phát triển quy mô giáo dục, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục phấn đấu đạt chuẩn quốc gia và hoàn thiện dần mạng lưới cơ sở giáo dục ở các địa phương.
Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết Nghị quyết 29 mới đây, ngày 14/12, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Kim Sơn khẳng định: Sau 10 năm triển khai Nghị quyết, sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần to lớn vào quá trình phát triển đất nước nói chung, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nói riêng. Hệ thống giáo dục quốc dân cơ bản được hoàn thiện theo hướng mở, liên thông giữa các cấp học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo; quy mô giáo dục và mạng lưới cơ sở giáo dục phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập suốt đời của người dân.
Nâng cao chất lượng giáo dục
Đặc biệt, để nâng cao chất lượng giáo dục, nhằm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, trong nhiều năm nay, mỗi địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi đều có những sáng tạo trong công tác dạy và học. Chất lượng giáo dục các cấp học, bậc học đã được khẳng định vững chắc.
Năm học 2022 - 2023, tỉ lệ huy động trẻ mầm non đến trường tăng 4,6% so với năm học trước; tỉ lệ huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường và huy động học sinh cấp Tiểu học đúng độ tuổi đều duy trì ở mức cao 99,7%. Tỉ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt mức cao 98,81%; có 63/63 tỉnh, thành phố duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, đạt tỉ lệ 100%.
Giáo dục ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện khó khăn được chú trọng phát triển. Hiện cả nước có 318 trường Phổ thông dân tộc nội trú thuộc 48 tỉnh, thành phố, với quy mô gần 102 nghìn học sinh; trên 1,1 nghìn trường phổ thông dân tộc bán trú ở 29 tỉnh, thành phố với quy mô 250 nghìn học sinh.
Đặc biệt triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, việc thay đổi phương pháp tiếp cận từ “theo nội dung” sang theo hướng “phát triển năng lực và phẩm chất”, dạy học “tích hợp” ở cấp dưới, dạy “phân hóa” ở cấp trên giúp nâng cao chất lượng dạy và học. Chương trình mới được xây dựng theo hướng tiếp cận phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, khắc phục được những hạn chế của chương trình tiếp cận nội dung truyền thống.
Như tại huyện Đà Bắc, một địa phương miền núi, còn nhiều khó khăn của tỉnh Hòa Bình. Triển khai thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, địa phương này đã có những bước thay đổi tích cực về chất lượng đào tạo. Chất lượng giáo dục nâng lên ở các cấp học, chất lượng đại trà được nâng lên, đặc biệt là chất lượng mũi nhọn học sinh giỏi có chuyển biến tích cực.
Cô giáo Bùi Hồng Thắm, giáo viên Trường Tiểu học Tân Pheo, huyện Đà Bắc chia sẻ: Đổi mới phương pháp dạy học, lấy học sinh làm trung tâm, giúp học sinh tiếp cận được nhiều kiến thức về mọi mặt. Qua đó, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo.
Còn tại Thanh Hóa, chất lượng giáo dục đại trà có chuyển biến mạnh, thứ hạng điểm trung bình kỳ thi tốt nghiệp THPT toàn tỉnh liên tục tăng. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT bình quân hàng năm đạt 98% trở lên. Thanh Hóa là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đạt điểm 10 và số lượng học sinh đạt 27 điểm trở lên (theo tổ hợp 3 môn thi).
Đặc biệt, hiện nay Thanh Hóa đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2; hoàn thành chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Công tác dạy tiếng nói và chữ viết của các DTTS được quan tâm; chất lượng dạy và học ngoại ngữ, tin học có chuyển biến tiến bộ.
Theo báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, giáo dục và đào tạo nước ta đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần to lớn trong việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.
"Hệ thống giáo dục quốc dân cơ bản được hoàn thiện theo hướng mở, liên thông giữa các cấp học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo; quy mô giáo dục và mạng lưới cơ sở giáo dục phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập suốt đời của người dân; cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục cho trẻ em 5 tuổi; duy trì vững chắc, từng bước nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở", Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc khẳng định
Tuy nhiên, công tác đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục cũng còn không ít những hạn chế, vướng mắc. Mạng lưới trường lớp, trang thiết bị vẫn chưa theo kịp chương trình đổi mới. Đặc biệt là chương trình giảng dạy vẫn còn chưa hoàn thiện, cơ chế chính sách dành cho đội ngũ nhà giáo vẫn chưa đáp ứng được theo chương trình đổi mới.