Người cha từng đau đớn cùng cực.
Vào một đêm giáp Tết năm 1992, trên một chuyến tàu vào Nam, có một đôi vợ chồng nghèo ôm chặt đứa con còn đỏ hỏn lặng lẽ bước lên tàu. Đứa bé được quấn chặt và ôm sát vào lòng, nhưng những người trên chuyến tàu ngày ấy vẫn kịp nhận ra những khiếm khuyết trên cơ thể bé. Hai cánh tay thì chỉ có tay phải có 2 ngón, còn tay trái thậm chí nằm sát vai và không có bàn tay. Đứa bé đó chính là Trần Tôn Trung Sơn. “Áp lực cơm áo gạo tiền dù nặng nhưng hai vợ chồng tôi vẫn gánh được. Nhưng áp lực vô hình từ sự dị nghị của những người xung quanh thì đau đớn vô cùng. Vì vậy tôi quyết định đưa cả nhà rời đi phương Nam khi đó vừa như là lối thoát, vừa như là niềm hy vọng”, ông Sơn nhớ lại.
Và cũng từ đây, gia đình ông Sơn đã được thử thách sự khắc nghiệt nơi đất khách quê người trong suốt những năm tháng dài đằng đẵng chốn phồn hoa đô thị. Không nhà, không người thân, phần vì mặc cảm nên không dám nhờ cậy ai và cứ thế gia đình ông “du canh du cư” khắp chốn đô thành, ai thuê gì làm đó để kiếm tiền. Hằng ngày, vợ chồng ông Sơn gửi con tại làng Hòa Bình (Bệnh viện Từ Dũ ngày nay) để đi làm thuê, tối về đón con, có nhiều đêm cả nhà trải một tấm chiếu giữa công viên Tao Đàn nằm ngủ.
Động lực để ông Sơn và vợ gồng mình cày cuốc bất chấp cực khổ chính là tương lai của đứa con “dioxin” Trần Tôn Trung Sơn. Dù con tật nguyền, nhưng ông vẫn nuôi trong lòng một tia hy vọng. Và vợ chồng ông cứ lầm lũi từng ngày, từng ngày làm việc chăm chỉ, tích cóp từng đồng dành dụm cho con, ông Sơn nghẹn ngào “Con sinh ra với cơ thể không lành lặn do di chứng chất độc da cam rồi, không muốn con mình cộng thêm thất học thì đó sẽ là một bất hạnh khác lớn không kém dioxin”, ông Sơn tự nhủ.
Năm 1999, khi Trần Tôn Trung Sơn lên 7 tuổi, ông Sơn tính đến chuyện cho con đi học, cả nhà ông Sơn chính thức thuê nhà để ở, đó là một phòng trọ nhỏ ông thuê được với mong muốn có chỗ ở ổn định cho con học hành. Thế nhưng mọi việc không đơn giản như ông nghĩ. Một thử thách khác lại đến với gia đình ông Sơn, vì cuộc sống nay đây mai đó, không có đăng ký hộ tịch hộ khẩu, phần vì con bị khuyết tật bẩm sinh nên việc xin cho con vào trường học mới thực sự gian nan. Không thể xin vào học trong hệ thống trường công lập, cha con ông Sơn tìm đến Trường Tiểu học dân lập Vạn Hạnh và được Ban Giám hiệu nhà trường chấp thuận nhận Trung Sơn vào học.
Những ngày đầu tiên đi học, Trung Sơn phải tập viết bằng 2 ngón tay. Những nét chữ đầu đời, một đứa trẻ bình thường còn phải khó khăn thì với Trung Sơn thì gần như là phải gồng mình nén đau vì hai ngón tay co quắp. “Tôi phải động viên con rằng nếu mình cố gắng thì có thể làm được những việc như người bình thường. Và cuối cùng con cũng làm được”, ông Sơn hồi tưởng.
Từ đây, ông Sơn như mở được cánh cửa đầu tiên cho con ra với cuộc đời và chính ông Sơn cũng không thể ngờ rằng, cánh cửa Trường Tiểu học dân lập Vạn Hạnh này đã làm thay đổi số phận của một đứa bé khuyết tật đáng thương.
Mở cánh cửa Đại học Harvard bằng chính 2 ngón tay không lành lặn
Không phụ sự hy sinh nhọc nhằn của cha mẹ, càng lớn Sơn càng tỏ ra thông minh. Năm lớp 5, Sơn là một trong 5 học sinh giỏi nhất quận Tân Bình. Lên THCS, Sơn vừa là thủ khoa đầu vào của Trường Nguyễn Gia Thiều, vừa là thủ khoa kỳ thi vào lớp chuyên Anh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. Sơn chọn học khối THCS của Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. Lên THPT, Sơn đỗ vào Trường Phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) và liên tục là học sinh xuất sắc của trường trong nhiều năm.
Dường như những khiếm khuyết về thân thể càng làm cho cậu bé Trung Sơn mạnh mẽ hơn về trí lực và tinh thần. Năm 2010, sau khi học xong lớp 11 Trường Phổ thông Năng khiếu TP. Hồ Chí Minh, Sơn nhận được học bổng 2 năm tại Trường Trung học Fairmont (Mỹ). Cánh cửa nước Mỹ đã rộng mở. Cả bầu trời rộng lớn đã mở ra trước mắt chàng trai “dioxin”.
Khỏi phải nói vợ chồng ông Sơn vui đến mức nào. Gần hai mươi năm cày cuốc và hy vọng đã được đền đáp. Nhưng những điều kỳ diệu chưa dừng lại với gia đình nhỏ này, như những quả ngọt cứ hé dần sau những năm tháng đằng đẵng đổ mồ hôi chăm bón. Trung Sơn đã mở được cánh cửa vào Trường Đại học Harvard danh tiếng nhất thế giới. “Hai vợ chồng chỉ biết ôm nhau khóc. 20 năm trước những giọt nước mắt cũng đã từng rơi. Nhưng khi đó là khóc vì đau xót cho số phận kém may mắn của con, còn nay là những giọt nước mắt hạnh phúc”, ông Sơn xúc động.
Điều ông Sơn không ngờ tới chính là việc Trần Tôn Trung Sơn đã mở cánh cửa Trường Đại học Harvard bằng chính 2 ngón tay không lành lặn của mình. Chính từ khiếm khuyết của đôi tay, Trung Sơn đã viết một bài luận bằng tiếng Anh có tên “Nhìn đời qua bàn tay” gửi đến hội đồng trường đại học danh tiếng này. Và chính những suy nghĩ tích cực từ trong lòng của một người không may mắn nhiễm chất độc da cam và bị khiếm khuyết đôi tay đã thuyết phục được những người lãnh đạo ở trường này. Cùng với thành tích học tập trong quá trình học trung học của Sơn, năm 2011, Trường Đại học Harvard đã trao cho Trung Sơn suất học bổng toàn phần ngành công nghệ thông tin.
Tốt nghiệp Trường Đại học Harvard, Trung Sơn nộp hồ sơ vào Tập đoàn IBM. Trung Sơn phải vượt qua thử thách của 4 hội đồng qua các bài thuyết trình, kiểm tra trình độ chuyên môn và hoạt động khác với các yêu cầu khắt khe. Cuối cùng, anh là một trong 8 người được nhận vào Tập đoàn IBM với vai trò cố vấn cao cấp. Hiện Sơn cũng xây dựng được vị thế của mình ở tập đoàn lớn này. “Ba mẹ đã gieo niềm tin và hy vọng trong tôi, giúp tôi có niềm tin về bản thân mình, về tất cả những gì mình cố gắng đều có thể làm được”, Trung Sơn nói trên diễn đàn “Chắp cánh ước mơ”.
“Khi còn là đứa trẻ, bàn tay này đã víu chặt mặt đất để giúp tôi cân bằng. Nó đã nắm chặt lại để giúp tôi có những cú đấm mạnh nhất khi chơi võ. Nó bám chặt vào thành chiếc xe đạp đua 4 bánh của tôi. Khi lớn lên, bàn tay này đã chịu đau đớn viết nên những con số, những nét chữ cho đến khi tôi có thể viết nên bài luận đầu tiên của mình về mẹ. Sau này, nó đã cầm bút để diễn tả những ý nghĩ tôi có trong đầu và giúp tôi giải những bài toán khó.
Bàn tay duy nhất này đã từng tháo rời chiếc xe đạp của ba tôi ra để xem nó hoạt động thế nào, giúp tôi xoay tròn chiếc thước lên không trung giống như các nhà sư Thiếu Lâm, hay thích thú vẽ nên những bức tranh về những người quen. Nó đã cầm viên phấn khi tôi dạy toán cho trẻ em nghèo, gõ lên bàn phím khi tôi làm việc cho một công ty máy tính trong kỳ nghỉ hè và nắm lấy tay của bất cứ ai tôi gặp…”, Trung Sơn viết trong bài luận./.