Nghiên cứu kỹ các quy định
Cách đây một năm, khi Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội (KT – XH) vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg (Chương trình MTQG 1719) được các địa phương tổ chức triển khai trong thực tiễn, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã tổ chức Hội thảo tham vấn về một số vướng mắc trong triển khai thực hiện các chương trình MTQG (ngày 9/11/2022, tại Hà Nội).
Tại hội thảo này, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành đã cho rằng, trong 3 Chương trình MTQG giai đoạn 2021 – 2025, nặng nhất là Chương trình MTQG 1719. Còn Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đã có nền tảng thực hiện trong các giai đoạn trước, thuận lợi hơn.
Đúng như khuyến nghị của ông Thành, khi triển khai Chương trình MTQG 1719, các địa phương cũng còn gặp những khó khăn, lúng túng. Mặc dù, nhiều nội dung hoạt động thuộc phạm vi của chương trình đã có các quy định, hướng dẫn của Trung ương, nhưng qua giám sát trong thực tiễn lại vướng mắc. Các địa phương không “quyết” được nên phải xin hướng dẫn cụ thể hơn từ cơ quan chủ quản Chương trình MTQG 1719.
Chưa nói tới những chính sách chung, ngay cả một số cơ chế triển khai các hoạt động thành phần, do chưa nghiên cứu kỹ quy định liên quan nên không ít địa phương vẫn lúng túng. Đơn cử như, cơ chế thanh quyết toán một số dự án đầu tư công do cộng đồng thực hiện, trong công văn gửi Ủy ban Dân tộc, tỉnh Bắc Kạn cho rằng, hướng dẫn còn chung chung nên rất khó thực hiện.
Tuy nhiên, cơ chế này đã được quy định cụ thể tại Quyết định số 04/2023/QĐ-TTg ngày 23/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ quy định mức hỗ trợ và cơ chế hỗ trợ sử dụng vốn đầu tư công để thực hiện Dự án 1 và Tiểu dự án 1 – Dự án 4 của Chương trình MTQG 1719.
Thực hiện Chương trình MTQG 1719, một trong những nội dung nhiều địa phương lúng túng nhất là giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt (Dự án 1). Các tỉnh: Bắc Kạn, Sơn La, Lâm Đồng, Gia Lai, Sóc Trăng,… đều băn khoăn về định mức hỗ trợ.
Tuy nhiên, nếu nghiên cứu kỹ các văn bản quy phạm pháp luật đã được Trung ương ban hành (Nghị định số 27/2022/NĐ-CP, Nghị định số 28/2022/NĐ-CP, Quyết định số 04/2023/QĐ-TTg ngày 23/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư số 02/2022/TT-UBDT, Thông tư số 15/2022/TT-BTC,…), thì những vướng mắc này sẽ được các địa phương tự tháo gỡ.
Việc nghiên cứu kỹ các quy định hiện hành, là một kinh nghiệm được đúc rút sau thời gian triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719. Đây cũng là yêu cầu đối với các địa phương trong thời gian tới; bởi hiện Ủy ban Dân tộc và các Bộ, ngành liên quan đang đề xuất sửa đổi, bổ sung những quy định, cơ chế phù hợp (sửa đổi, bổ sung hướng dẫn cơ chế đặc thù triển khai chính sách nhà ở theo Nghị định số 27/2022/NĐ-CP; kiến nghị bổ sung thêm cách thức hỗ trợ vay vốn từ ngân sách nhà nước cho phép hộ gia đình tự khai hoang, cải tạo hoặc chuyển nhượng đất sản xuất trong Nghị định số 28/2022/NĐ-CP;…) để đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành các mục tiêu Chương trình MTQG 1719.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Cơ chế của Chương trình MTQG 1719 là tăng cường phân cấp, phân quyền, phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong quá trình triển khai. Công tác kiểm tra, giám sát chương trình vì thế cũng có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng, huy động đươc sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Trong quý II/2023, lần đầu tiên Quốc hội đã thực hiện giám sát tối cao giữa kỳ đối với 3 Chương trình MTQG, trong đó có Chương trình 1719. Tại kỳ họp lần thứ 6, Quốc hội khóa XV, Báo cáo giám sát tối cao của Quốc hội đối với 3 Chương trình MTQG đã được đưa ra lấy ý kiến của các đại biểu Quốc hội và các Bộ ngành có liên quan theo đúng quy định, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, thu hút được sự quan tâm, chú ý của cử tri và dư luận xã hội.
Việc Quốc hội tổ chức giám sát giữa kỳ các Chương trình MTQG có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương hoàn thiện cơ chế, chính sách, hướng dẫn để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện. Thông qua việc giám sát tối cao đã thể hiện rõ quan điểm, sự nỗ lực, đồng hành của Quốc hội cùng với Chính phủ tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện các Chương trình MTQG, trong đó có Chương trình MTQG 1719.
Cùng với Quốc hội, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam (cũng đã tiến hành giám sát và phản biện xã hội đối với việc thực hiện các Chương trình MTQG tại các tỉnh: Quảng Ninh, Nghệ An, Tuyên Quang, Kon Tum và An Giang. Uỷ ban MTTQ Việt Nam của 49 tỉnh, thành phố thực hiện Chương trình 1719 cũng đã xây dựng kế hoạch và triển khai giám sát. công tác giám sát chủ yếu tập trung các nội dung: việc xác định phạm vi, đối tượng thụ hưởng; giám sát phân bổ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí khác thuộc Chương trình.
Tại kỳ họp lần thứ 6, Quốc hội khóa XV đã thảo luận đối với kết quả Báo cáo giám sát tối cao việc thực hiện các Chương trình MTQG. Một trong những kinh nghiệm được Quốc hội nhấn mạnh cần tiếp tục tăng cường thực hiện là phát huy vai trò chủ thể, sáng tạo của Nhân dân, tính gương mẫu của cán bộ, đảng viên và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là người dân, đối tượng thụ hưởng Chương trình. Đây là yêu tố then chốt để quyết định sự thành công, hiệu quả của các Chương trình MTQG, trong đó có Chương trình MTQg 1719.