Cần tăng cường hậu giám sát
Có thể nói, bên cạnh những kết quả đạt được, thì vấn đề được đặt ra là, công tác kiểm tra giám sát liệu đã đi đến cùng vấn đề được giám sát hay chưa? Để nâng cao hiệu quả của hoạt động kiểm tra, giám sát thì khâu “hậu giám sát” cần được chú trọng.
"Hậu giám sát” được hiểu là, những công việc phải làm của chủ thể giám sát và đối tượng chịu sự giám sát, sau khi chủ thể giám sát tiến hành hoạt động giám sát và ban hành nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát, tức là hậu quả pháp lý sau giám sát đã được xác định, có cơ sở để thực hiện.
Về phía chủ thể giám sát, đó là việc theo dõi, đôn đốc, xem xét, đánh giá kết quả thực hiện, tái giám sát (nếu thấy cần thiết), và đưa ra các chế tài đảm bảo việc thực hiện các kết luận giám sát đạt hiệu quả cao nhất. Về phía đối tượng chịu sự giám sát, là việc nâng cao trách nhiệm, áp dụng các biện pháp để khắc phục những hạn chế, bất cập theo kết luận của các chủ thể giám sát đưa ra, tạo chuyển biến tích cực nhất trong thực tế.
Pháp luật hiện hành đã quy định khá cụ thể, chặt chẽ và chế tài đủ mạnh về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc tổ chức thực hiện các nghị quyết, kết luận, kiến nghị sau giám sát; nếu không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Vấn đề hiệu quả thực hiện cơ bản chỉ còn phụ thuộc vào công tác tổ chức thực hiện, vào trách nhiệm của các cơ quan liên quan, là các chủ thể tiến hành giám sát và các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát; trong đó, đặc biệt là trách nhiệm của các chủ thể tiến hành giám sát.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Vũ Tiến Thản, nguyên Vụ trưởng Vụ Phục vụ hoạt động giám sát, Văn phòng Quốc hội cho biết, để công tác giám sát đi vào đời sống,thời gian tới, Quốc hội và HĐND các cấp cần chú trọng và đẩy mạnh hoạt động hậu giám sát, nâng cao tính hiệu quả. Tuy nhiên, hiện nay, hoạt động hậu giám sát của Quốc hội vẫn còn những hạn chế; nhiều nghị quyết, kết luận, kiến nghị sau giám sát không được cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát thực hiện triệt để, thực hiện chưa đầy đủ, hoặc chỉ thực hiện mang tính hình thức, dẫn đến các vấn đề nổi lên về kinh tế-xã hội chậm được khắc phục, cản trở sự phát triển chung của đất nước, làm cho hiệu quả giám sát chưa cao.
Nâng cao phản biện của các đoàn thể
Không chỉ cần chú trọng vào giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp, để kịp thời phát hiện, điều chỉnh chính sách dân tộc phù hợp, các tổ chức đoàn thể thời gian tới cần nâng cao vai trò trong phản biện chính sách.
Theo đó, các tổ chức đoàn thể cần tham mưu Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị của Đảng, về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó quan tâm bố trí cán bộ làm công tác Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội có năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, có đủ khả năng thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội; Bí thư cấp ủy các cấp ở địa phương nên trực tiếp có trách nhiệm chỉ đạo công tác giám sát, phản biện xã hội.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, cần có cơ chế tài chính phù hợp, hiệu quả để huy động đông đảo trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học, người giàu kinh nghiệm thực tiễn tham gia giám sát, phản biện xã hội.
Đề xuất về vấn đề này, ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, thời gian tới, MTTQ đề nghị MTTQ các cấp và các tổ chức hội thành viên cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế về giám sát, phản biện xã hội; trong đó, đề nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh các quy định pháp luật về giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, giám sát của Nhân dân (cần thiết có văn bản quy phạm pháp luật mang tầm luật là cơ sở pháp lý cho công tác giám sát); xây dựng, bổ sung các quy định cụ thể các vấn đề, nội dung cần thiết phải có giám sát, phản biện xã hội, nhất là vấn đề quan trọng, liên quan mật thiết và có tác động trực tiếp đến đời sống nhân dân, những vấn đề dư luận xã hội và người dân quan tâm.
Đồng thời, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cần làm tốt hơn nữa công tác hướng dẫn, kiểm tra và bồi dưỡng chuyên môn về công tác giám sát, phản biện xã hội cho cán bộ MTTQ các cấp, tập trung vào hướng dẫn lựa chọn chủ đề giám sát, phản biện xã hội phải là những vấn đề cụ thể, liên quan trực tiếp đến đời sống Nhân dân, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của Nhân dân.