Nguy cơ phát sinh nhiều dịch bệnh
Theo số liệu thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm 2021 đến nay, cả nước ghi nhận gần 20 nghìn trường hợp mắc SXH, trong đó có 5 người tử vong tại các tỉnh Phú Yên, Bình Dương, Sóc Trăng và TP. Hồ Chí Minh; gần 20 nghìn trường hợp mắc bệnh TCM, trong đó có 4 trường hợp tử vong tại các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Ðắk Lắk...
Theo các chuyên gia dịch tễ, nhiệt độ tăng cao cùng nắng nóng kéo dài tạo điều kiện cho nhiều loại vi-rút, vi khuẩn, côn trùng phát triển. Cùng với dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nắng nóng có thể gây bùng phát nhiều dịch bệnh khác như, các bệnh về hô hấp, bệnh đường tiêu hóa, các bệnh truyền nhiễm như sởi, SXH, tay chân miệng… Người già và trẻ em là những đối tượng dễ mắc các bệnh do thời tiết nắng nóng.
Như tại Đồng Nai, những ngày gần đây, số ca mắc SXH ghi nhận tại các địa phương trong tỉnh liên tục tăng, nâng tổng số ca mắc SXH từ đầu năm đến nay lên hơn 2,3 ngàn ca. Theo đó, TP. Biên Hòa là địa phương dẫn đầu số ca mắc với hơn 1 ngàn ca, tiếp đó là huyện Nhơn Trạch với 318 ca, huyện Trảng Bom 293 ca.
Bác sĩ Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (TTKSBT) tỉnh Đồng Nai cho biết: Nguyên nhân dẫn đến số ca nhiễm bệnh SXH tăng cao do sự thay đổi của thời tiết, việc đang từ mùa nắng chuyển sang mùa mưa tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sôi, phát triển.
Để phòng bệnh SXH gia tăng, TTKSBT tỉnh đã phối hợp với các địa phương trong tỉnh, tổ chức chiến dịch diệt loăng quăng; tổ chức phun hóa chất diện rộng tại các xã, phường trọng điểm; tăng cường xử lý các ổ dịch; đẩy mạnh truyền thông dưới nhiều hình thức về nguyên nhân, triệu chứng cũng như cách phòng chống bệnh SXH đến người dân.
Tăng cường các biện pháp phòng bệnh
Hay tại Sơn La, chỉ trong quý I/2021, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 2 nghìn ca cúm, gần 1 nghìn ca tiêu chảy, 137 ca thủy đậu, 58 ca quai bị, 4 ca tay chân miệng… Thời gian qua, Sở Y tế Sơn La đã phối hợp với các ban, ngành trên địa bàn huy động tối đa các nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh, tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường. Trong thời gian xảy ra dịch bệnh, nên tránh tiếp xúc với người ở vùng dịch, hạn chế giao lưu, tập trung chỗ đông người...
Để phòng chống dịch bệnh mùa hè, ngành Y tế khuyến cáo người dân, cần chủ động tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các loại vắc xin phòng bệnh, thực hiện vệ sinh sạch sẽ môi trường sống, hạn chế đến nơi đông người, thực hiện ăn chín, uống sôi, ăn uống đủ chất, bảo đảm dinh dưỡng, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Khi có dấu hiệu mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Đặc biệt, khi phát hiện các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, người dân cần chủ động báo cho cơ quan y tế và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, không để lây lan thành dịch trong cộng đồng.
Việc chủ động phòng chống dịch bệnh mùa hè là rất cần thiết, đặc biệt là trong bối cảnh dịch COVID -19 vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay. Việc phòng bệnh của mỗi cá nhân không chỉ đem lại những lợi ích về sức khoẻ cho bản thân mà còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cộng đồng, giúp phòng tránh dịch chồng dịch, phòng ngừa sự quá tải trong kiểm soát bệnh tật và các gánh nặng chi phí do cùng một lúc phải đối phó với nhiều loại bệnh dịch gây nên.